Nhạc sĩ Đỗ Phương và những giai điệu mùa thu Hà Nội

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Những cột mốc với Hà Nội luôn là những kỷ niệm và tôi luôn mong muốn viết với cảm xúc về Hà Nội. 

ững ngày này, Hà Nội đang mùa thu. Thu Hà Nội như một món quà mà thiên nhiên, đất trời ban tặng cho mảnh đất ngàn năm. Mùa thu thì ở đâu cũng có, nhưng thu Hà Nội vẫn cứ đẹp đến nao lòng. Bầu trời xanh hơn, nắng vàng trải nhẹ trên những con đường - góc phố, trên những ngọn cây. Thu Hà Nội đẹp và quyến rũ không chỉ vì cảnh sắc, khí hậu mùa thu; mà còn là điều gì đó mà ta chỉ có thể cảm nhận - rất khó gọi tên; và cũng bởi Hà Nội gắn liền với mùa thu…

hạc sĩ Đỗ Phương gửi tặng quý thính giả của chương trình chùm ca khúc về thu Hà Nội Bến thu, Hà Nội còn thu không em, và Hà Nội ơi tôi vẫn nhớ thương người.

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

 BTV Bảo Trang: Ca khúc Bến thu nghe thật buồn, thật da diết, như là lời tự sự của một người có nhiều trải nghiệm với mùa thu, với Hà Nội vậy!

Nhạc sĩ Đỗ Phương: Có lẽ là tôi đã đọc và say mê thơ của Nhà thơ Thái Thăng Long từ khi còn ngồi ghế học sinh trung học thập niên 90 thế kỷ trước và ca khúc Bến thu được phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Thái Thăng Long khi tôi chưa đến 20 tuổi. Tôi nghĩ rằng bài thơ được viết khi Nhà thơ nhớ về những hoài niệm và cả nuối tiếc khi chia xa Hà Nội, muốn viết để níu giữ những kỷ niệm về Hà Nội, những mùa thu buồn man mát, những bãi sông Hồng lộng gió vv… Quả  thật đến bây giờ tôi cũng không thể nghĩ mình có thể đồng cảm với cảm xúc của Nhà thơ thế hệ cha chú để viết được ca khúc này dù khi đó tôi mới sống ở Hà Nội một thời gian ngắn.

BTV Bảo Trang: Không sinh ra và lớn lên ở Hà nội, nhưng anh đã có một ca khúc dành trọn cho Hà nội, cho mùa thu của Hà Nội, ra mắt đúng dịp kỉ niệm 1010 năm Thăng Long Hà Nội?

Nhạc sĩ Đỗ Phương: Hà Nội không phải là quê hương của tôi nhưng phần lớn thời gian học tập và sinh sống của tôi diễn ra tại nơi này, trong đầu mình vẫn còn như in những ngôi nhà, những con đường Hà Nội thế kỷ trước với nhịp sống của mình là thong dong trên chiếc xe đạp, để hình dung rằng thay đổi với cuộc sống hiện tại là rất nhiều nên những cột mốc với Hà Nội luôn là những kỷ niệm và tôi luôn mong muốn viết với cảm xúc về Hà Nội. Quả thật là viết làm sao trọn vẹn một ca khúc về Hà Nội khó biết nhường nào và tôi đã từng nghĩ có thể không bao giờ hoàn thành được ca khúc “Hà Nội ơi tôi vẫn nhớ thương Người”.

BTV Bảo Trang: Thưa nhạc sĩ Đỗ Phương, mùa thu luôn là niềm cảm hứng cho các nhạc sỹ viết lên những giai điệu thật đẹp. Giữa muôn vàn khúc hát về mùa thu, anh đã chọn hướng tiếp cận như thế nào để có những bản nhạc mang dấu ấn riêng?

Nhạc sĩ Đỗ Phương: Đúng là để viết được một ca khúc tiếp cận được với số đông công chúng mà vẫn giữ được ý đồ, cá tính âm nhạc của mình là mong muốn của nhiều nhạc sĩ không chỉ riêng tôi. Với chủ đề mùa thu Hà Nội trong ca khúc mới nhất tôi viết về Hà Nội “Hà Nội còn thu không Em?”, mặc dù vẫn là một bản Ballad với giai điệu gần gũi, dễ nghe… tôi đã cố gắng đưa vào những ca từ có thể gần gũi hơn với nhịp sống hiện đại như tàu điện trên cao, những tòa nhà cao tầng, những vùng đất mới sau khi Hà Nội mở rộng, vv... đan xen với những hoài niệm về Hà Nội xưa với những mùa đông giá lạnh, những tiếng leng keng của tàu điện thế kỷ trước, những cuộc chia tay thầm lặng trên sân ga.. và với ca khúc này thật tuyệt vời là ca sĩ Nguyễn Đình Tuấn Dũng đã thể hiện rất tôt và trọn vẹn cảm xúc về Hà Nội.

BTV Bảo Trang: Nhạc sĩ có thể chia sẻ về những sản phẩm âm nhạc sắp tới của mình?

Nhạc sĩ Đỗ Phương: Mảng ca khúc thường nặng về cảm xúc nhiều hơn khi viết nên tôi cũng không có những sắp đặt cụ thể nào cả. Cũng chỉ mong muốn mình có những trải nghiệm đủ sâu để có thể viết được những ca khúc giàu cảm xúc có thể chạm tới khán giả và dường như thời gian gần đây tôi dễ viết hơn về những thân phân con người trước những khó khăn, vấp ngã trong cuộc sống. Tôi hy vọng rằng có thể hoàn thành sớm những ca khúc này để gửi đến quý khán thính giả.

BTV Bảo Trang: Xin cảm ơn nhạc sĩ Đỗ Phương, và rất mong sẽ sớm được đón nhận những ca khúc mới của anh!

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu