Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam |
Một trong những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công cuộc đổi mới, được đề cập trong Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đó là: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Đại diện giới trí thức cho rằng, nội dung “dân giám sát, dân thụ hưởng” đã thể hiện rõ, mọi mục tiêu, hành động của Đảng, Nhà nước đều do dân, vì dân, hướng tới việc mang lại những lợi ích cao nhất cho người dân.
Tiến sỹ Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, phương châm hành động mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và điểm mới trong Báo cáo Chính trị lần này là “dân giám sát, dân thụ hưởng" đã thể hiện nền dân chủ xã hội ngày càng được mở rộng, đi vào nền nếp trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân với quan điểm xuyên suốt: dân là gốc.
ATM gạo tại thành phố Long Xuyên - Ảnh: Thanh Sang/TTXVN |
Theo TS Nghiêm Vũ Khải: "Người dân thụ hưởng những giá trị về dân chủ, giá trị của người làm chủ, tức là được quyền tham gia vào quá trình hoạt động chính trị, hoàn thiện hệ thống chính trị, cũng như quá trình lãnh đạo của đất nước, cho nên có hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Sự tham gia của người dân là quá trình xây dựng chính sách, thực hiện chính sách và thụ hưởng chính sách đó và chịu trách nhiệm về chính sách. Như vậy tạo sức mạnh đoàn kết trong nhân dân và gắn bó giữa lực lượng lãnh đạo là Đảng, lực lượng quản lý Nhà nước và người dân làm chủ như thế là hoàn hảo trong thế chính trị của hệ thống chính trị nước nhà".
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng hội dung “dân thụ hưởng” đã cho thấy, mọi mục tiêu, hành động của Đảng đều hướng tới lợi ích của người dân: "Chúng ta đưa thêm một vế vào là “dân thụ hưởng” để thể hiện rất rõ là tất cả những hành động, những mục tiêu ở đây diễn ra là phải hướng tới người dân và người dân phải lấy lợi ích của mình làm thước đo, những cái gì đảm bảo được nguyện vọng của mình làm thước đo để đánh giá quá trình quản lý, quá trình hành động của cơ quan quản lý các cấp. Rõ ràng chúng ta nhìn thấy ở đây không chỉ đơn thuần là lấy dân làm gốc để triển khai các hoạt động, triển khai các mục tiêu hay chương trình, mà lấy dân làm gốc có nghĩa là quay trở lại để phục vụ tốt hơn cho người dân".