Phụ nữ thôn Knia, xã Ea Tul, tỉnh Đắk Lắk giữ gìn nghề dệt thổ cẩm

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Trước nguy cơ mai một của nghề dệt thổ cẩm ở tỉnh Đắk Lắk (Tây Nguyên) nhiều chị em hội viên hội phụ nữ nơi đây đã tích cực duy trì nghề dệt. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Các chị cũng tận dụng lợi thế từ mạng xã hội để quảng bá tiêu thụ sản phẩm để có thêm thu nhập, tiếp tục gắn bó và lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Năm nay 53 tuổi, đôi mắt không còn tinh, đôi tay không còn khéo léo như trước nhưng bà H Yới Niê, ở buôn Knia, xã Êa Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk vẫn tranh thủ thời gian rảnh rỗi, tỉ mẩn ngồi dệt bộ váy áo, chăn đắp hay chăn địu thổ cẩm được đặt hàng. Không chỉ tự tay dệt nên những tấm thổ cẩm theo đặt hàng, bà còn tranh thủ dạy lại nghề dệt cho con cháu với mong muốn thế hệ sau tiếp tục giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của dân tộc mình.

Phụ nữ thôn Knia, xã Ea Tul, tỉnh Đắk Lắk giữ gìn nghề dệt thổ cẩm - ảnh 1

Bà H Yới Niê tỉ mẩn bên khung dệt.- Ảnh: VOV

Bà H Yới Niê kể: “Bản thân tôi trước đây không biết dệt thổ cẩm và cũng không được mẹ truyền dạy. Khi nhà nước mở lớp truyền dạy nghề dệt thì tôi mới được học cách dệt nhiều loại như áo, váy và nhiều thứ khác. Hiện nay khi có khách hàng đặt hàng là tôi dệt. Tôi cũng tích cực truyền dạy cho các con và dặn chúng nó sau này lại tiếp tục truyền dạy cho thế hệ sau nữa. Đây là giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc Êđê nên không thể để mất đi mà phải tiếp tục duy trì và phát huy.”

Cũng như bà H Yới, chị H Mion Niê trước đây cũng không biết dệt thổ cẩm. Trong quá trình học tập tại Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên, chị đã được học thêm về nghề dệt thổ cẩm của người Êđê.

Chị chia sẻ có những lúc công việc tại Trường Mẫu giáo buôn Wing (xã Ea Kuếh) bận rộn song chị vẫn thu xếp thời gian dệt thổ cẩm, duy trì một nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình: “Trước đây chỉ học ở trường tôi cảm thấy chưa đủ nên khi về nhà thì tôi lại học thêm từ những người cao tuổi, những người đi trước vì họ có nhiều kinh nghiệm, qua đó giúp mình nâng cao tay nghề hơn. Tôi nhận thấy rằng bản thân càng đam mê với nghề dệt truyền thống, nên suy nghĩ phải gìn giữ nghề nhiều hơn, từ đó càng cố gắng học và thực hành nhiều hơn.”

Phụ nữ thôn Knia, xã Ea Tul, tỉnh Đắk Lắk giữ gìn nghề dệt thổ cẩm - ảnh 2Chị H Mion Niê tự dệt và may trang phục thổ cẩm tại nhà - Ảnh: VOV 

Chi hội phụ nữ buôn Knia hiện có 150 hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó có 20 chị em biết dệt thổ cẩm truyền thống. Trước đây, sản phẩm thổ cẩm của chị em làm ra chủ yếu phục vụ trong gia đình, ở địa phương nên đầu ra không ổn định, không mang lại nguồn thu nhập khiến nhiều chị không mặn mà với nghề.

Để hỗ trợ, động viên các chị em, chi hội phụ nữ buôn Knia tích cực tuyên truyền, vận động chị em duy trì, phát huy nghề dệt truyền thống, tìm tòi các sản phẩm, mẫu mã thổ cẩm mới đẹp, tạo sự phong phú và giá cả hợp lý nhằm thu hút người mua. Cùng với đó, khi mạng Internet ngày càng phổ biến, các chị càng tích cực quảng bá sản phẩm của mình trên trang mạng xã hội, Zalo, Facebook. Từ đó, ngày càng nhiều khách hàng biết đến, đặt may các sản phẩm thổ cẩm do các chị làm ra, giúp nhiều chị có thêm nguồn thu ổn định. Chị H’Yuil Niê, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn Knia, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Là chi hội trưởng chi hội phụ nữ buôn Knia thì tôi thường gom các sản phẩm thổ cẩm do các chị em làm ra để đưa ra thị trường. Thời đại 4.0 thì mình tận dụng lợi thế mạng xã hội, có thể chụp hình đăng lên hoặc quay hình khi khách yêu cầu. Từ đó, nhiều chị em ở các huyện khác cũng biết về mình và ưng ý về sản phẩm của mình nên họ mua cũng nhiều.”

Hoạt động giữ gìn và duy trì nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê tại Chi hội phụ nữ buôn Knia đã góp phần bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống người Êđê. Điều này còn có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giúp địa phương giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu