Người Việt mang bản sắc Việt đi khắp năm châu

Bích Ngọc
Chia sẻ
(VOV5) - Những người con đất Việt vẫn đang ngày đêm miệt mài mang hai tiếng “Việt Nam” thân yêu và tự hào ra thế giới bằng những cống hiến của mình...

Vì học tập, công việc, mưu sinh… rất nhiều người Việt đã phải xa quê, bôn ba khắp năm châu bốn biển. Thế nhưng dù cuộc sống có khó khăn thế nào, vất vả ra sao, họ vẫn giữ trong mình trọn vẹn hình ảnh quê hương nguồn cội.

Người Việt mang bản sắc Việt đi khắp năm châu - ảnh 1 Cụ Đặng Văn Hồng, gần 90 tuổi, ở bản Xiengvang, chia sẻ người Việt có tính cần cù sáng tạo, không bao giờ cam chịu, lùi bước trước khó khăn. - Ảnh: VOV

Trên đất Lào có một bản làng thuần Việt với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình tồn tại hơn một trăm năm nay. Đó là bản Xiengvang nằm trên địa phận huyện Nongbok, tỉnh biên giới Khammuon, giáp với Thái Lan. Dù trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, người dân nơi đây vẫn giữ được tiếng nói, cách sống và truyền thống văn hóa của người Việt. Những ngôi nhà khá đơn sơ được dựng lên từ gỗ. Quanh nhà là vườn tược, ruộng nương, bờ mương với những cây gạo cổ thụ cỡ 3 người ôm. Chạy dọc bờ sông là các khóm cây nhãn, cây xoài và lũy tre làng xào xạc trong gió. Người Việt ở đây ngoài làm nông nghiệp, còn giữ được nghề cổ truyền của cha ông mang từ Việt Nam sang như nghề làm bánh gai, phở khô….

Cụ Đặng Văn Hồng, gần 90 tuổi, ở bản Xiengvang, chia sẻ người Việt có tính cần cù sáng tạo, không bao giờ cam chịu, lùi bước trước khó khăn. Hơn nữa, với tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, người dân nơi đây sống ổn định, phát triển mà vẫn giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc suốt 100 năm qua: "Làng có người mất thì cả làng đến chung tay để chôn cất. Cả người làm ăn xa ở các tỉnh thành phố khác cũng về. Người dân rất đoàn kết, giữ được truyền thống đoàn kết tốt".

Người Việt mang bản sắc Việt đi khắp năm châu - ảnh 2 Thạc sỹ âm nhạc trẻ Trần Tuấn An từng biểu diễn guitar tại nhiều quốc gia trên thế giới và bất cứ nơi đâu anh đến, anh đều biểu diễn từ 1 đến 2 bản nhạc Việt Nam. - Ảnh: VOV

Người Việt xa quê không chỉ giữ vẹn nguyên nét đẹp văn hóa dân tộc trong tim mình mà còn lan tỏa rộng hơn để nhiều người biết đến. Thạc sỹ âm nhạc trẻ Trần Tuấn An hiện đang sống tại Mỹ có bảng thành tích rực rỡ với nhiều lần giành giải Nhất, Nhì tại các cuộc thi âm nhạc quốc tế. Trần Tuấn An có cơ hội biểu diễn guitar tại nhiều quốc gia trên thế giới và bất cứ nơi đâu anh đến, anh đều biểu diễn từ 1 đến 2 bản nhạc Việt Nam.

Trần Tuấn An cho biết: "Tôi từng biểu diễn bài “Bèo dạt mây trôi”, “Người ơi người ở đừng về” và mới đây là bài “Mưa và Núi rừng Tây Nguyên” của tác giả Nguyễn Ngọc Long. Trong chương trình của mình, tôi luôn luôn biểu diễn một vài bài hát của quê hương để mọi người hiểu mình từ đâu đến và khán giả nước ngoài biết được chương trình của mình có ý nghĩa gì. Khán giả rất thích thú khi được nghe các bản nhạc Việt Nam".

Người Việt mang bản sắc Việt đi khắp năm châu - ảnh 3  Tiến sĩ Thái Kim Lan luôn chọn khoác trên mình chiếc áo dài truyền thống mỗi lần cô lên lớp giảng dạy ở CHLB Đức. Trong hình: Tiến sĩ Thái Kim Lan (thứ hai từ phải qua) trong buổi trình diễn bộ sưu tập áo dài nam triểu Nguyễn của bà tại từ đường họ Thái ở Huế - Ảnh: tapchisonghuong.com.vn

Mong muốn được nói với cả thế giới rằng: “Tôi là người Việt Nam” và để khán giả nước ngoài biết đến văn hóa Việt, là nỗ lực, là niềm tự hào của rất nhiều người Việt. Tiến sĩ Thái Kim Lan luôn chọn khoác trên mình chiếc áo dài truyền thống mỗi lần cô lên lớp giảng dạy ở CHLB Đức.

Tiến sĩ Thái Kim Lan chia sẻ: "Trong khoảng thời gian giảng dạy có lẽ sinh viên của tôi yêu mến tôi nhất khi tôi mặc áo dài, bởi họ cho đó là sự hãnh diện đối với họ khi được ngồi trong phòng học có giảng viên ngoại quốc rất lịch sự trong chính bản sắc của mình. Tôi thấy nếu giữ gìn được bản sắc của mình thì làm giàu thêm cho chính con người mình và thành công của mình".

Người Việt mang bản sắc Việt đi khắp năm châu - ảnh 4Những mẫu thiết kế của Nhà thiết kế Minh Hạnh đã được trình diễn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève (Thụy Sĩ). - Nguồn: Bộ Ngoại Giao

Nhà thiết kế Minh Hạnh đã đưa họa tiết thổ cẩm vào các thiết kế của mình. Những thiết kế của bà được trình diễn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève (Thụy Sĩ) cũng như nhiều sàn diễn thời trang trên thế giới và gây ấn tượng mạnh mẽ đối với các nhà văn hóa thế giới. Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết: "Tôi không thể lấy hết được chất liệu của 54 dân tộc nhưng những dân tộc đặc trưng nhất, những chất liệu và màu sắc đặc trưng nhất, phù hợp với khuynh hướng thời trang hiện nay nhất thì tôi đặt trong bộ trình diễn của mình".

Những người con đất Việt vẫn đang ngày đêm miệt mài mang hai tiếng “Việt Nam” thân yêu và tự hào ra thế giới bằng những cống hiến của mình. Theo bước chân họ, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam đang đến gần hơn với bạn bè trên khắp năm châu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu