Là một huyện miền núi nhưng Cao Phong lại là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế – xã hội cũng như công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh Hòa Bình. Đóng góp cho thành quả này không thể không nhắc đến việc phát triển thành công cây cam đặc sản. Cam Cao Phong không chỉ thơm ngon mà còn thay đổi diện mạo của một huyện vùng cao của núi rừng Tây Bắc.
Người dân Cao Phong thu hoạch cam phục vụ khách - Ảnh: Báo pháp luật việt nam
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cam, quýt đã được trồng ở Cao Phong từ hơn nửa thế kỷ trước. Với khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, phù hợp sự sinh trưởng và phát triển nên cam, quýt ở đây nổi tiếng thơm ngon, mọng nước, vị ngọt, quả màu vàng óng.
Từ trên cao nhìn xuống, những cánh đồng cam ở Cao Phong phủ kín những ngọn đồi. Những năm gần đây, người dân Cao Phong áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, vì vậy sản lượng cam ngày càng cao, chất lượng đảm bảo. Ông Nguyễn Văn Hiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cao Phong, cho biết: "Cam đã trở thành giống cây làm giàu của đồng bào các dân tộc nơi đây. Hiện nay trên địa bàn huyện Cao Phong có trên 2.800 héc ta cây ăn quả có múi, chú yếu là cây cam. Trên đó trên 1.300 héc ta đang cho thu hoạch. Sản lượng năm nay đạt trên 33.000 nghìn tấn. Doanh thu ước đạt 600 tỷ đồng".
Xã Bắc Phong, một trong những xã có diện tích trồng cam lớn nhất của huyện Cao Phong với gần 800 hecta, diện mạo và đời sống của người dân đã thay đổi nhanh chóng từ khi phát triển cây cam. Những ngôi nhà khang trang được xây dựng ngày càng nhiều, con đường bê tông chạy từ đường quốc lộ vào đến tận vườn, rất nhiều hộ đã mua ô tô… Ông Bùi Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Phong, cho biết: "Cây cam đã mang đến nhiều lợi ích cho người dân trên toàn xã, đời sống được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Tổng thu nhập trên địa bàn xã là 25 triệu đồng/người/năm. Giờ đã có thương hiệu cam Cao Phong thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap để người dân thực hiện và xã hải Phong sẽ tiếp tục hỗ trợ, đặc biệt là các hộ nghèo, về cây giống, phân bón".
Ở Bắc Phong rất nhiều hộ dân trồng cam và làm giàu từ giống cây này. Hộ ít thì vài nghìn mét vuông, hộ nhiều thì cả chục hecta. Đến thăm gia đình bà Trần Thị Tám, xóm Hải Phong, xã Bắc Phong, khu vườn của gia đình bà Tám đến ngày thu hoạch trải dài trên quả đồi sau nhà, quả trĩu cây, chín vàng… Bà Trần Thị Tám cho biết: "Gia đình bắt đầu trồng cam cách đây 10 năm, lúc đầu chỉ vài nghìn mét vuông. Hiện nay diện tích vườn cam lên hơn 2 hecta và đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap (Vietnamese Good Agricultural Practices - Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Từ ngày đưa cây cam vào trồng, thay cho cây mía, thì đời sống của gia đình ổn định, thu nhập cao hơn. Gia đình đã mua được ô tô và các đồ dùng trong gia đình. Năm nay vườn nhà tôi khoảng 60-70 tấn, thu nhập khoảng 1 tỷ/hecta. So với thu nhập từ các cây khác thì cây cam hiệu quả kinh tế cao nhất".
Nông dân Cao Phong chăm sóc cam theo quy trình VietGAP - Ảnh: vov.vn
|
Theo ông Võ Ngọc Kiên, Bí thư Huyện ủy Cao Phong, huyện coi cam, quýt là cây mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập và làm giàu của người dân. Trong thời gian, Cao Phong phát triển ổn định khoảng 3.000 hecta, trong đó tập trung đầu tư vào khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và giữ vững ổn định thương hiệu Cam Cao Phong. "Chúng tôi coi trọng việc quảng bá, giới thiệu và giữ gìn thương hiệu này khi đây trở thành sản phẩm đặc sản khi đây là tiềm năng, thế mạnh và cũng chính là điều kiện để nhân dân làm giàu trên quê hương mình. Chúng tôi phải đảm bảo về quy hoạch để các vùng cam phát triển đảm bảo quả cam sạch, đảm bảo chất lượng tốt để đưa ra thị trường. Hướng tới mở rộng phát triển vùng cam này trong diện tích quy hoạch. Đồng thời tập trung xây dựng chợ đầu mối, nhà máy chế biến các sản phẩm về cam, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài" - ông Kiên nói.
Cùng với việc phát triển quy mô sản xuất, chất lượng cam Cao Phong ngày càng được nâng cao, quả cam to đều hơn, ngon, ngọt hơn. Cam Cao Phong đã tạo nên một thương hiệu của tỉnh Hòa Bình và mang những giá trị, tiềm năng phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc nơi đây.