Làng muối Sa Huỳnh, Quảng Ngãi

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) – Muối ở Sa Huỳnh được sử dụng trong công nghiệp chế biến thủy sản và phục vụ đời sống nên được thị trường tiêu thụ muối ngày càng mở rộng ra khắp khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

(VOV5) – Muối ở Sa Huỳnh được sử dụng trong công nghiệp chế biến thủy sản và phục vụ đời sống nên được thị trường tiêu thụ muối ngày càng mở rộng ra khắp khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Làng muối Sa Huỳnh nằm ở cực Nam tỉnh Quảng Ngãi, thuộc huyện Đức Phổ, cách thị trung tâm thành phố chừng 60 km. Sa Huỳnh có bãi biển đẹp và từ lâu nổi tiếng là vựa muối quan trọng ở miền Trung. Từ quốc lộ 1A đi qua  địa phận làng Sa Huỳnh có thể  thấy những cánh đồng muối nối tiếp nhau như những tấm gương phản chiếu,  lấp lánh dưới ánh mặt trời.

Làng muối Sa Huỳnh, Quảng Ngãi - ảnh 1
Cánh đồng muối Sa Huỳnh. Ảnh: Tô Tuấn



Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Địa danh Sa Huỳnh nếu viết đúng có khởi nguyên từ tên gọi Sa Hoàng, có nghĩa là cát vàng. Thật vậy, màu cát ở đây không trắng như ở nơi khác mà lại có màu vàng óng ánh rất đẹp. Những người cao tuổi ở đây cho biết: sở dĩ, phải viết thành Sa Huỳnh, vì chữ “ Hoàng” trùng tên Chúa Nguyễn Hoàng thời Nguyễn. Dưới thời Nguyễn (Thế kỷ 19) Sa Huỳnh là vị trí quan trọng để canh phòng mặt biển và cũng kể từ đó nghề muối Sa Huỳnh hình thành, được người dân duy trì nghề đến nay.

Nằm núp dưới bóng hàng cây xanh mát, làng muối Sa Huỳnh có khoảng 550 hộ diêm dân, với chừng 2.000 nhân khẩu theo nghề làm muối. Với diện tích cánh đồng muối hơn 116 ha, hàng năm làng muối Sa Huỳnh cung cấp cho thị trường từ 8.000 - 9.000 tấn. Vụ làm muối ở Sa Huỳnh bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. Trên cánh đồng muối những ngày cuối tháng ba này, nhiều diêm dân đang khom lưng cho công việc tát nước, làm đồng chuẩn bị cho vụ muối mới.

Nghề muối là nghề khá nặng nhọc, chủ yếu làm việc ngoài đồng với cái nắng miền Trung rát bỏng, vậy mà phần nhiều người lao động ở đây là phụ nữ. Công việc làm muối vẫn chủ yếu làm thủ công. Cởi tấm khăn choàng che nắng, chị Phạm Thị Vàng  ở xã Phổ Thạch, Huyện Đức Phổ, cho biết: “Quy trình làm muối ở đây lấy nước biển từ kênh, mương cho vào bọng chứa, rồi đưa vào ruộng. Nước vào ruộng đã được chuẩn bị sẵn thì phải chờ có nắng để đủ độ kết tinh mới tạo thành muối”.


Làng muối Sa Huỳnh, Quảng Ngãi - ảnh 2


Chị Nguyễn Thị Bé, một trong những người  làm muối lâu năm trong làng, cho biết: trước đây thị trường tiêu thụ muối bấp bênh, nhiều người đã chuyển sang các ngành nghề khác. Đàn ông làm thêm nghề đóng thuyền, đi biển đánh bắt cá, làm nghề xây dựng…Phụ nữ làm nghề đan lưới, buôn bán, mở cửa hàng phục vụ khách du lịch. Ngoài thời gian làm muối, gia đình chị Nguyễn Thị Bé mở một cửa hàng nhỏ ven quốc lộ bán hàng phục vụ cho khách du lịch. Chị Bé tâm sự: “Ngày xưa ông bà mình không biết làm gì, chỉ làm nghề muối,  làm muối từ tháng giêng đến tháng 7 rồi để dành ăn cả năm.  Trước đây gia đình em làm có dư lắm cũng chỉ được chừng 20 triệu/năm. Bây giờ dân ở đây biết tinh toán hơn trước, ngoài vụ muối  họ nuôi cá, nuôi hàu, tôm cua…và  làm dịch vụ du lịch nữa. Nói chung cuộc sống khá hơn rồi”.


Làng muối Sa Huỳnh, Quảng Ngãi - ảnh 3


Những năm gần đây, được Nhà nước hỗ trợ, người dân làng muối Sa Huỳnh đã mạnh dạn đầu tư hàng tỉ đồng để ứng dụng mô hình sản xuất mới. Gần 7 km đê ngăn mặn được xây dựng, gần 1/3 diện tích cánh đồng muối đã được tráng bê tông và trải giấy bạc, nhờ đó, chất lượng hạt muối ở Sa Huỳnh rất tốt, hạt muối  trắng, kết tinh rắn chắc, được người tiêu  dùng ưa chuộng. Muối ở Sa Huỳnh được sử dụng trong công nghiệp chế biến thủy sản và phục vụ đời sống nên được thị trường tiêu thụ muối ngày càng mở rộng ra khắp khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Sa Huỳnh ngày nay là 1 trong 3 vựa muối lớn nhất cả nước.

Những năm gần đây, khách du lịch cũng đã tìm đến với biển Sa Huỳnh. Tuy cơ sở vật chất cho du lịch chưa nhiều, nhưng đã  xuất hiện những nhà hàng, nhà nghỉ cùng hệ thống các cửa hàng phục vụ du lịch. Từ một làng chài nghèo nàn và hoang sơ, Sa Huỳnh ngày nay đã trở thành một thị tứ nhỏ xinh, nằm ẩn mình dưới hàng dương rủ bóng.  Khách du lịch tới đây sẽ có dịp nghỉ ngơi bên những bãi biển tuyệt đẹp còn giữ nguyên vẻ nguyên sơ. Du khách cũng sẽ có dịp thăm cánh đồng muối, trải nghiệm cuộc sống của người dân làng muối, làng biển và nhất là thưởng thức những đặc sản ở vùng biển nơi đây.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu