Đổi thay ở vùng nông thôn tỉnh Sóc Trăng

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) -Thị xã Vĩnh Châu, ở ven biển tỉnh Sóc Trăng, bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cách đây 7 năm 

Các ấp, xóm, phum sóc của tỉnh Sóc Trăng, những nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, vừa có một mùa lễ hội Ok Om Bok mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Lễ hội cho thấy đời sống của đồng bào Khmer ở đây đang ngày càng khởi sắc, do kết quả của quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. 

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Thị xã Vĩnh Châu, ở ven biển tỉnh Sóc Trăng, bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cách đây 7 năm với không ít thách thức, khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và tham gia hưởng ứng tích cực của người dân, diện mạo nông thôn thị xã Vĩnh Châu có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được cải thiện đáng kể, đời sống người dân từng bước được nâng lên.

Đổi thay ở vùng nông thôn tỉnh Sóc Trăng - ảnh 1

Cổng chào thị xã Vĩnh Châu. - Ảnh:UBND tỉnh Sóc Trăng

Cùng với những dự án trọng điểm về hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện do Trung ương hỗ trợ đầu tư, nhân dân đã thực hiện nhiều công trình phục vụ cộng đồng và cải tạo bộ mặt nông thôn; tự nguyện hiến đất xây dựng cầu đường, trường học, trạm y tế, đóng góp tiền, ngày công lao động làm các hạng mục giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng...

Đổi thay ở vùng nông thôn tỉnh Sóc Trăng - ảnh 2

Ông Trà Khol – Bí thư Đảng ủy Xã Vĩnh Hải vận động bà con. - Ảnh: UBND tỉnh Sóc Trăng

Ông Trà Khol, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hải, một xã vùng sâu vùng xa của huyện Vĩnh Châu có đến 50% số dân là người Khmer, cho biết về sự đổi mới của xã Vĩnh Hải: Được sự quan tâm của Đảng, các cấp chính quyền, cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành đầu tư rất nhiều chương trình, dự án trong phát triển kinh tế và văn hóa xã hội, cải thiện đời sống bà con nhân dân. Nhìn chung, qua thực hiện những chương trình này, bộ mặt nông thôn từng bước cải thiện đáng kể. Nhà cửa, đường xá, trường trạm khá khang trang, đáp ứng vấn đề phát triển kinh tế cũng như việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Đây là kết quả mà chúng tôi thấy rất đáng mừng.

Đổi thay ở vùng nông thôn tỉnh Sóc Trăng - ảnh 3

Mô hình nuôi bò sữa ở Sóc Trăng ngày càng phát triển (nguồn: japfavietnam.com)

Tại huyện Vĩnh Châu, các mô hình, dự án phát triển sản xuất, được thực hiện lồng ghép trong chương trình xây dựng nông thôn mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng rau màu trên bờ ao tôm, nuôi ghép cá rô phi trong ao tôm, nuôi cá kèo thâm canh, trồng hành tím theo tiêu chuẩn Global GAP. Nhờ vậy mà đời sống vật chất tinh thần của người dân trong huyện ngày càng phát triển.

Trong khi đó, xã Đại Tâm ở vùng ven thành phố Sóc Trăng, cũng như nhiều xã khác của huyện Mỹ Xuyên, vốn là vùng đất độc canh cây lúa, nay đã có hệ thống đường bê-tông mới đến từng ngõ xóm. Hệ thống mương, máng thủy lợi cũng được bê-tông hóa, chia ô những cánh đồng bát ngát lúa vàng.

Ông Trần Chín Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Tâm, cho biết cánh đồng mẫu lớn toàn xã có tổng diện tích gần 600 ha. Từ năm 2014, xã đưa bộ giống mới vào sản xuất cho lợi nhuận gần 40 triệu đồng/ha. Cùng với đồng lúa là vùng rau xanh, rộng hơn 100 ha. Đồng quê Đại Tâm thêm sống động bởi khu ao, đầm nuôi thủy sản. Những vựa tôm, cá tiền tỷ nơi đây được cấp nước bởi hệ thống kênh, mương có quy hoạch đồng bộ.

Người dân cải tạo vườn tạp, đất xấu, tận dụng bờ kênh mương trồng cỏ chăn nuôi. Toàn xã có 65 hec ta cỏ cung cấp cho đàn bò gần hai nghìn con, có gần một nghìn bò sữa nuôi trong các trang trại. Đại Tâm là một trong những mô hình hiện thực hóa chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện Mỹ Xuyên.

Ông Trần Chín Tâm cho biết thêm: Xã Đại Tâm hiện nay có rất nhiều mô hình chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Hộ chăn nuôi bò sữa cũng có thu nhập tương đối ổn định. Hiện nay địa phương đang phát triển theo kế hoạch phát triển đàn bò sữa ở tỉnh, chuyển sang kết hợp giữa nuôi bò sữa và nuôi bò siêu thịt để tạo nguồn thu nhập lớn cho người dân. Bên cạnh đó, người dân cũng phát triển mạnh về thương nghiệp, thương mại dịch vụ.

Không chỉ ở Đại Tâm, các xã Tham Đôn, Thạch Phú, Thạch Quới cũng hiện diện nông thôn mới, minh chứng về sự đổi thay tích cực của Mỹ Xuyên, một huyện cách đây chưa lâu còn là vùng quê nghèo, thuần nông. Được biết, Mỹ Xuyên đang dồn sức cho mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2019.Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh Sóc Trăng có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2020 có 2 huyện và 50% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu