Làng nghề Hà Nam thời hội nhập

CTV
Chia sẻ
(VOV5) - Hoạt động của các làng nghề đã góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nghề truyền thống ở Hà Nam có bề dầy lịch sử với nhiều sản phẩm nổi tiếng, có đội ngũ nghệ nhân đông đảo, giỏi tay nghề. Phát triển kinh tế làng nghề đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông thôn ở tỉnh Hà Nam, nhất là trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông thôn…Trong thời kỳ hội nhập, các làng nghề truyền thống cũng đang chuyển mình, bắt kịp với xu thế thời đại để tiếp tục phát triển bền vững.
Làng nghề Hà Nam thời hội nhập - ảnh 1Vẻ đẹp ở làng nghề dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên. Ảnh: baohanam.com.vn

Hà Nam có nhiều làng nghề nổi tiếng, như: Làng thêu An Hòa; Làng dệt lụa Nha Xá; Làng nghề song, mây tre đan xã Ngọc Động; Làng nghề trống Ðọi Tam. Ngoài ra còn có nhiều làng nghề khác có sản phẩm gắn liền với nông nghiệp, như: Làng nghề bánh đa nem Chều; Làng nghề rượu Vọc; bánh trưng làng Đầm, thành phố; cá kho Nhân Hậu...

Trong cuộc sống hiện đại, nghề thủ công đang đứng trước thách thức rất lớn khi hàng hóa tiêu dùng do máy móc hiện đại sản xuất ngày càng nhiều, chất lượng cao đẩy lùi và lấn át hàng thủ công. Để duy trì và phát triển nghề truyền thống, các làng nghề đều đang tìm tòi các hướng đi mới, vừa giữ nghề truyền thống vừa đảm bảo duy trì lợi nhuận. Có thể ví dụ như các cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống trống Đọi Tam, xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, đã đưa máy móc công nghiệp hiện đại vào quá trình sản xuất để giảm lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở đã đưa thêm sản phẩm mới.

Anh Nguyễn Hùng, chủ một cơ sở sản xuất ở xã Tiên Sơn, cho biết: "Ngoài việc sản xuất các mặt hàng chủ đạo là trống thì chúng tôi cũng tiếp cận các công nghệ của Châu Âu về sản xuất các thùng rượu để ngâm rượu và ngoài ra, thi công các loại bồn tắm…"

Tỉnh Hà Nam hiện có 32 làng nghề truyền thống và 26 làng có nghề được công nhận. Các làng nghề đang giải quyết việc làm cho khoảng hơn 18.000 lao động. Để phát triển sản xuất kinh doanh, các cơ sở sản xuất làng nghề đã cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm mới. Qua tìm hiểu nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, người làng nghề Đô Hai chuyên sản xuất sơn mỹ nghệ đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm được sử dụng nhiều hơn trong cuộc sống như trâm cài đầu, thìa, dĩa…để xuất khẩu sang Châu Âu.

Làng nghề Hà Nam thời hội nhập - ảnh 2Nghệ nhân làng nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai. Ảnh: langngheviet.com.vn

Ông Nguyễn Văn Công, người dân làng nghề, chia sẻ: "Những sản phẩm của chúng tôi được tạo ra từ các nguyên liệu từ vỏ chai, vỏ ốc biển, qua tay chúng tôi thì trở thành những sản phẩm đẹp, được khách hàng vô cùng ưa chuộng. Sắp tới đây, chúng tôi mong muốn hợp tác mở rộng thị trường, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động tại địa phương."

Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, tỉnh Hà Nam luôn chú trọng xây dựng các ngành nghề, làng nghề, trong đó đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở, hộ kinh doanh, các Hợp tác xã, tổ hợp tác có sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nói chung, làng nghề truyền thống nói riêng. Nhờ những chủ trương, chính sách đó, Hà Nam vinh dự có những làng nghề mà tên tuổi ngày càng được khẳng định, tiêu biểu như làng nghề gốm Quyết Thành, mây tre đan Ngọc Động hay rượu Vọc…

Hoạt động của các làng nghề đã góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Ông Trần Văn Tường, đại diện Hội làng nghề Hà Nam, khẳng định: "Hiện nay có nhiều làng nghề, hiệp hội làng nghề rất năng động, sáng tạo, tìm kiếm, đưa những nghề mới du nhập vào làng nghề của mình để sản xuất, duy trì thu nhập ổn định cho người dân làng nghề."

Để hỗ trợ các làng nghề duy trì và phát triển, tỉnh Hà Nam đã và đang tập trung hỗ trợ các cơ sở làng nghề có tiềm năng, thế mạnh, khuyến khích mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư cải tiến công nghệ, đưa công nghệ mới, tiên tiến áp dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó là thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai thường xuyên như tham gia các hội chợ nhằm quảng bá sản phẩm và khai thác thị trường…

Nhờ đó, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những sản phẩm của Hà Nam vẫn khẳng định được thương hiệu cũng như giải được bài toán tìm đầu ra, được thị trường trong nước đón nhận, thậm chí vươn xa đến cả thị trường quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu