Hà Nội xây dựng và phát triển nông nghiệp thông minh

Chia sẻ
(VOV5) -   Đến năm 2025 Hà Nội có tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt 70%.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 Phát triển nông nghiệp thông minh đang là xu hướng tất yếu trên thế giới. Ở Việt Nam nông nghiệp thông minh được hình thành 10 năm trở lại đây. So với các địa phương khác trong cả nước, thành phố Hà Nội luôn đi đầu trong xây dựng và phát triển nông nghiệp thông minh.
Hà Nội xây dựng và phát triển nông nghiệp thông minh - ảnh 1Chăm sóc cây giống tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Đỗ Tâm

Nông nghiệp thông minh là nên nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa, tối ưu hóa quá trình sản xuất. Qua đó, giúp tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí và bảo đảm môi trường, nhận diện sản phẩm theo chuỗi gắn với trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao Hà Nội hiện nay chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố, trong đó công nghệ, thiết bị lựa chọn ứng dụng chủ yếu là thông minh. Trồng trọt ứng dụng nhà màng, nhà lưới có hệ thống tự động hóa điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, phát hiện sâu bệnh, dịch hại. Sử dụng máy bay điều khiển từ xa để bón phân và phòng trừ dịch bệnh trên lúa. Trong chăn nuôi áp dụng thụ tinh nhân tạo. Thủy sản đáp áp dụng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học và máy tạo ô xy tự động.

Tiến sĩ Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội, cho biết: “Nông nghiệp đi theo chuỗi giá trị, chế biến sâu. Hà Nội có thế mạnh sản xuất cây con giống. Hà Nội đang là trung tâm sản xuất cây con giống của cả nước, sử dụng ít tài nguyên về đất nhưng phục vụ cả nước nguồn chất lượng giống tốt. Tuy vậy, Hà Nội đang rất cần bản sắc văn hóa nông nghiệp ngàn năm, tạo thành giá trị sản phẩm thương hiệu lớn, không bị mất đi các thương hiệu như húng Láng, đào Nhật Tân, hồng Xuân Đỉnh. Chúng ta phải giữ các thương hiệu sen Hồ Tây, quất Tứ Liên, nhãn Đại Thành, nhãn Hoài Đức, cam Canh, bưởi Diễn, hoa Tây Tựu, gà Mía…”

Hà Nội xác định quy hoạch nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp thông minh. Do là thành phố có tốc độ đô thị hóa cao, đặc biệt là ở trong các quận, huyện vùng ven đô, nên quy không gian đô thị nông nghiệp được Hà Nội đặc biệt chú trọng.

Hà Nội xây dựng và phát triển nông nghiệp thông minh - ảnh 2Hợp tác xã Đan Hoài ở thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng đã xây dựng thành công thương hiệu lan Hồ Điệp mang tên "Flora Việt Nam”. Ảnh: Báo Tuổi trẻ thủ đô

Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng: “Nông nghiệp đô thị Hà Nội không những có vai trò vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội mà còn là hình mẫu trong phát triển nông nghiệp ven đô trong cả nước. Vì thế, việc đầu tư phát triển nông nghiệp ven đô theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, đô thị xanh trong quá trình đô thị hóa trong giai đoạn tới là rất quan trọng, là trọng tâm, chiến lược trong phát triển nông nghiệp của thành phố Hà Nội. Thủ đô cần phải tổ chức lại nông nghiệp đô thị theo hướng ổn định để hướng đến quy hoạch đô thị bền vững trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh.”

Nông nghiệp đô thị Hà Nội có đặc điểm đặc thù riêng không phải đô thị Việt Nam nào cũng có. Bởi Hà Nội có diện tích ven đô rộng, có thể sản xuất nông sản cung cấp đủ cho nội đô chứ không như một số đô thị khác diện tích ven đô chật hẹp, nông sản chủ yếu phải mua từ các nơi khác.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho rằng: “Hà Nội có thể xây dựng đề án riêng cho nông nghiệp đô thị, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân. Sắp tới, Hà Nội có 5 huyện sẽ chuyển thành quận. Vì vậy, vai trò của nông nghiệp ở trong vùng này cũng rất quan trọng. Trong điều kiện không có đất thì phải canh tác theo chiều dọc, tức là sử dụng công nghệ, nông nghiệp thông minh.”

Ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội ban hành chương trình 04 về việc đẩy mạnh phát triển hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, xác định đến năm 2025 Hà Nội có tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt 70%. Nhiều đề án phát triển nông nghiệp được phê duyệt và triển khai thành công. Tiêu biểu như mô hình sản xuất nấm ở huyện Mỹ Đức, mô hình trồng hoa lan ở huyện Đan Phượng, mô hình trồng rau an toàn ở huyện Hoài Đức… Hà Nội ban hành các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Duy Quý, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, cho rằng: “Nhà nước phải tận dụng Cục dự báo khí tượng thủy văn (đơn vị dự báo thời tiết cho cả nước) đặt trụ sở ở Hà Nội, chia sẻ dữ liệu big data cho tất cả các cơ quan, lúc đầu miễn phí. Đó là tài sản quốc gia cần chia sẻ. Tất cả nhà vườn, trang trại hoặc những nhà quản lý nông nghiệp khuyến nông thành phố Hà Nội khi biết được điều kiện khí hậu theo một chu kỳ lớn để sử dụng khi nuôi trồng thủy sản, làm vườn, trồng rau hoa quả, chăn nuôi gia cầm… thì rất thuận lợi.”

Hiện nay, Thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ và thiết bị thông minh trong sản xuất nông nghiệp ở hầu hết các quận, huyện, tập trung nhiều tại các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Thanh Oai, Đan Phượng, Đông Anh… Hà Nội hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu