Xây dựng kế hoạch, chiến lược thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn

Chia sẻ
(VOV5) - Nông nghiệp, nông thôn không đứng ngoài cuộc mà được Chương trình chuyển đổi số Quốc gia xác định là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên. 

Chuyển đổi số giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu để khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết.

Đó là nhận định của Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng tại Hội thảo chuyên đề "Chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" diễn ra chiều 17/11 tại Hà Nội.

Xây dựng kế hoạch, chiến lược thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn - ảnh 1Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng phát biểu. Ảnh: Thành Trung/TTXVN

Ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số được xác định là một trong các trụ cột thực hiện phát triển nhanh, bền vững, là một trong các khâu đột phá, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Nông nghiệp, nông thôn không đứng ngoài cuộc mà được Chương trình chuyển đổi số Quốc gia xác định là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, phải dựa trên nền tảng dữ liệu, nhất là hệ thống dữ liệu lớn của ngành như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thời tiết, môi trường; tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh...

Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo cho rằng, cần đổi mới cơ chế quản lý khoa học, công nghệ; khuyến khích tối đa các doanh nghiệp, nhất là sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn...

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu