Mở đầu phần chất vấn, Bộ trưởng chia sẻ gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn, tác động trên nhiều lĩnh vực, trong đó giáo dục. Dịch bệnh khiến kế hoạch thi cử, năm học bị đảo lộn.
Gần 2 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong thời gian dài và trên 7.000 sinh viên không ra trường đúng thời hạn. Việc tổ chức học trực tuyến, học qua truyền hình trong điều kiện vật chất chưa đầy đủ. Quy mô, tính chất, thời gian học trực tuyến là chưa từng có với rất nhiều thách thức. Theo Bộ trưởng, việc dạy học trực tuyến lúc này là mang tính ứng phó với dịch COVID -19 nhưng về lâu dài, mô hình đào tạo từ xa, trực tuyến là tất yếu mà quá trình chuyển đổi số và công nghệ đào tạo của thế giới hướng đến.
Việt Nam chuẩn bị cho chuyển đổi số trong giáo dục |
"Năm 2021 quy mô dạy học trực tuyến là chưa từng có tiền lệ. Tại Việt Nam, ngành giáo dục ứng phó với dịch trong điều kiện cả nước còn hết sức khó khăn. Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến chuyển đối số quốc gia nhưng mức độ triển khai chưa đồng đều. Thống kê cho thấy gần 1,9 triệu học sinh không có thiết bị để học tập. Nên nhiều nơi trước khi quan tâm đến chất lượng là làm thế nào để giảm số các cháu không có thiết bị. Về lâu dài, điểm rất quan trọng là cần có đầu tư để hình hành một nền tảng đồng bộ, đủ lớn và bền vững mang tầm quốc gia. Theo đó đầu tư tăng cường hạ tầng. Thứ hai là xây dựng nền tảng để học trực tuyến mang tầm quốc gia, điều này cần có sự tham gia của các Tập đoàn viễn thông lớn. Tiếp đó là pháp chế hóa một số văn bản, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu đủ lớn để đảm bảo cho việc học trực tuyến. Do đó, ngành giáo dục đang chuẩn bị về cơ sở pháp lý, nền tảng, nhân lực, các mô hình thí điểm"
Cũng trong phiên chất vấn sáng 11/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm rõ thêm việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; vấn đề chất lượng sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên.