Sáng nay (30/9), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023. Phiên họp được diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và trực tuyến đến điểm cầu 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VOV |
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh đất nước đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2023 trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, kết quả nhìn chung tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi Ngân sách được kiểm soát tốt, an sinh xã hội, đời sống người dân được bảo đảm; uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố, nâng cao. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chỉ còn 3 tháng của năm 2023, nhiệm vụ còn lại là rất nặng nề, khó khăn, thách thức lớn, tuy nhiên nền kinh tế đất nước đang có những dấu hiệu khởi sắc phục hồi tích cực. Tôi đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương trên tinh thần là chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động, tích cực, kịp thời, bám sát vào tình hình, đưa ra nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tinh thần là tích cực, chủ động, kịp thời, linh hoạt các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt, các công việc phối hợp phải nhịp nhàng và hiệu quả hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 với 63 địa phương. Ảnh: VOV
|
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. GDP tính chung 9 tháng tăng 4,24%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về Việt Nam. Ngân hàng châu Á (ADB) dự báo Việt Nam sẽ hồi phục trong thời gian ngắn. Đặc biệt, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023, Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh các nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới: cần điều hành linh hoạt, chủ động, đồng bộ, hài hòa giữa các chính sách, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, quyết liệt phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, đảm bảo an ninh năng lượng, các mặt hàng thiết yếu, an ninh lương thực quốc gia; đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đối số quốc gia.