Lai Châu cần tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, chú trọng giảm nghèo bền vững

Chia sẻ
(VOV5) - Chủ tịch nước đề nghị Lai Châu cần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng y tế, phát triển chất lượng giáo dục, chất lượng dân số.

Tiếp tục chương trình công tác tại tỉnh Lai Châu, sáng 12/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu.

Tại đây, Chủ tịch nước nêu rõ Lai Châu là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại; nhất là an ninh biên giới, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, môi trường sinh thái.
Do đó, Chủ tịch nước lưu ý tỉnh tập trung nguồn lực (ngân sách, vốn đầu tư, chính sách, con người) cho phát triển kinh tế dựa trên các trụ cột: nông-lâm nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn; phát triển các ngành công nghiệp mà tỉnh có lợi thế, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp; thương mại, dịch vụ, kinh tế cửa khẩu và du lịch. Lai Châu cũng cần phát triển hạ tầng kỹ thuật cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, dịch vụ logistic...

Lai Châu cần tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, chú trọng giảm nghèo bền vững - ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Chủ tịch nước đề nghị Lai Châu cần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng y tế, phát triển chất lượng giáo dục, chất lượng dân số; chú trọng bảo đảm an ninh biên giới, an ninh tôn giáo vùng biên cương; xây dựng và quản lý tuyến biên giới quốc gia hòa bình, ổn định. Tỉnh cũng cần chú trọng giảm nghèo bền vững, hỗ trợ cải thiện kinh tế và cuộc sống của đồng bào các dân tộc.

Trước đó, tối 11/11, tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khai mạc Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022. Tại đây, Chủ tịch nước nhấn mạnh Chính phủ và các Bộ, ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần quan tâm bảo tồn và quy hoạch phát triển cây sâm, trước hết là bảo vệ nguồn gene thuần chủng cây Sâm Lai Châu.
Cùng với đó, tỉnh Lai Châu cần kêu gọi các doanh nghiệp trong nước tham gia vào việc phát triển các giống Sâm của Việt Nam, khuyến khích các hình thức liên doanh liên kết, đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong trồng và chế biến sâm, tạo cú hích có tính đột phá cho việc phát triển quy mô trồng, sản xuất và chế biến sâm trong nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu