Thu ngân sách năm nay ước vượt hơn 10% dự toán, cơ bản đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Về đầu tư công, các đại biểu Quốc hội cho rằng đầu tư công thời gian qua đã được phân bổ vào các công trình trọng điểm quốc gia.

Sáng nay (5/11), tại Hà Nội, các đại biểu dự kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.

Thu ngân sách năm nay ước vượt hơn 10% dự toán, cơ bản đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 1Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Thu ngân sách Nhà nước năm 2024 ước tăng 10,1% so với dự toán; đạt tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước khoảng 16,5% GDP. Về chi ngân sách Nhà nước, ước cả năm tăng 7,7% so dự toán. Như vậy, ước bội chi cả năm 2024 bằng 3,4% GDP, giảm so với dự toán do giảm chi nguồn vay của ngân sách địa phương.

Thu ngân sách năm nay ước vượt hơn 10% dự toán, cơ bản đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 2Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: "Năm 2024, việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước có kết quả tích cực. Thu ngân sách ước vượt 10,1% dự toán, cơ bản đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, tăng mức lương cơ sở, bội chi nợ công trong ngưỡng Quốc hội cho phép. Năm 2025, cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý ngân sách nhà nước; kịp thời phân bổ giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công."

Thu ngân sách năm nay ước vượt hơn 10% dự toán, cơ bản đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 3 Ông Hoàng Văn Cường, Đoàn biểu quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn

Về đầu tư công, các đại biểu Quốc hội cho rằng đầu tư công thời gian qua đã được phân bổ vào các công trình trọng điểm quốc gia. Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng: "Công tác đầu tư công bám sát vào thực hiện đột phá chiến lược, như là đột phá về hạ tầng. Tuy nhiên, nếu chúng ta tập trung trong khoảng 5 năm đến 10 năm để dành từ 5 - 10% đầu tư phát triển cho lĩnh vực giáo dục, y tế thì sau đó chúng ta sẽ có hệ thống đại học, bệnh viện khang trang, hiện đại và người hưởng lợi chính là người dân. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là động lực để phát triển đất nước bền vững."

Cũng trong sáng 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Sửa đổi Luật này nhằm tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Chiều 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu