Những ngày này, tại các tỉnh, thành của Việt Nam đang diễn ra hàng trăm lễ hội. Việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống thông qua các lễ hội có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố chủ quyền quốc gia về văn hóa, tạo nên sự tự tin, để từ đó tạo thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Lễ hội vùng Lim - Lễ hội đầu xuân lớn nhất xứ Kinh Bắc xưa (Bắc Ninh). Ảnh: VOV |
Việt Nam có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc đến từ các cộng đồng sinh sống khắp mọi miền đất nước. Những lễ hội được tổ chức không chỉ góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân mà còn thúc đẩy phát triển du lịch, đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế của từng tỉnh, thành nói riêng và cả nước nói chung.
Đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng, gia tăng lợi ích kinh tế
Với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc khuyến khích phục dựng những giá trị văn hóa truyền thống, cùng với nhu cầu của xã hội, khi đời sống kinh tế ở cơ sở được nâng cao, nhiều lễ hội truyền thống được phục hồi, góp phần phát huy giá trị văn hóa, giữ gìn bản sắc của các dân tộc. Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở, Việt Nam hiện có gần 8.000 lễ hội, trong đó có hơn 7.000 lễ hội truyền thống (chiếm 88,36%) còn lại là lễ hội khác.
Hầu hết các lễ hội từ quy mô quốc gia đến lễ hội nhỏ trong phạm vi làng, xã được tổ chức trang trọng, linh thiêng, thành kính; tạo môi trường thuận lợi để nhân dân thực sự là chủ thể của hoạt động lễ hội; nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng, đảm bảo hoạt động lễ hội phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân. GS.TS Nguyễn Xuân Kính, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Văn hóa, viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng: “Đối với nhân dân, lễ hội đóng vai trò rất quan trọng. Đó là những ngày người dân ngưng nghỉ sản xuất, họ mặc những bộ quần áo đẹp nhất, chuẩn bị những thức ăn ngon nhất và hướng lòng mình tưởng nhớ những người đã có công với nước (có công chống giặc ngoại xâm hoặc đem đến một nghề mới cho dân làng). Nói như giáo sư Đinh Gia Khánh, lễ hội là thời điểm mạnh của đời sống cộng đồng, tức là mọi người được thăng hoa, được chung một niềm vui cộng cảm, bình đẳng.”
Trước lễ Khai ấn đền Trần diễn ra nghi lễ "rước nước, tế cá" - một trong những nghi lễ nghi quan trọng khuyến nông, khuyến ngư, nhằm tri ân tổ tiên nhà Trần - vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới. Ảnh: VOV |
Xét từ cách tiếp cận của công nghiệp văn hóa, hoạt động tổ chức và sức hấp dẫn của lễ hội truyền thống đã thu hút du khách thập phương, trở thành nguồn lực cho sự phát triển. Đơn cử, lễ hội đến Trần ở Nam Định mỗi năm đóng góp hơn 40 tỷ đồng (1,7 triệu USD) cho ngân sách địa phương; lễ hội chùa Hương mỗi năm thu được hàng trăm tỷ đồng...
Thống kê của ngành du lịch cho biết trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ngành Du lịch ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 16,6% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm ngoái), trong số đó có không ít du khách đến Thừa Thiên Huế, 1 tỉnh ở miền Trung của Việt Nam. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, đánh giá: “Thế mạnh các lễ hội đầu Xuân của Huế, như: lễ hội đền Huyền Trân, lễ hội vật làng Thủ Lễ, lễ hội vật làng Sình, hay cầu ngư của làng Thái Dương... được tổ chức trong dịp đầu năm này tạo được sức hút rất lớn cho du khách. Ngay trong những ngày đầu năm du khách tham quan Thừa Thiên Huế rất là đông, chất liệu di sản văn hoá luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu. Chúng tôi xem đó là dữ liệu nhưng đồng thời đó là nguồn lực tạo ra sức hút để phát triển văn hóa, thể thao du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Giá trị văn hóa truyền thống là sức mạnh nội sinh bền vững
Đảng cộng sản Việt Nam xác định: “Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, luật pháp, kỷ cương... biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển”.
Xác định rõ vai trò của văn hóa, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Quan điểm của Đảng khẳng định các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam luôn là sức mạnh nội sinh bền vững trong quá trình giao lưu, hội nhập, trở thành động lực mạnh mẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Hiện nay, các cấp, ngành liên quan, các địa phương đang tích cực triển khai những định hướng này.
Trong khi đó, theo nhiều nhà nghiên cứu, để phát triển công nghiệp văn hóa, một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải có tiềm năng văn hóa của dân tộc, trong đó lễ hội truyền thống chứa đựng những giá trị tiêu biểu. Vì chỉ khi khai thác được vốn văn hóa mới tạo ra được bản sắc riêng có của mỗi quốc gia, phát huy được nguồn lực cho phát triển. Để từ đó, tạo chỗ đứng của Việt Nam trong dòng chảy văn hóa thế giới.