Là địa phương có hơn 74% đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Hòa Bình rất quan tâm thực hiện các chính sách dân tộc. Tỉnh chú trọng bảo đảm sinh kế, an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Một góc thành phố Hòa Bình nhìn từ trên cao |
Hòa Bình hiện có dân số hơn 870.000 người, bao gồm các dân tộc Kinh: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông và một số dân tộc khác. Để bảo đảm sinh kế cho người dân, tỉnh nỗ lực thực hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện, điển hình là xã Bắc Phong, huyện Cao Phong. Ông Khương Xuân Lịch, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bắc Phong, cho biết: "Xã Bắc Phong áp dụng cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cho bà con nông dân. Đời sống vật chất và tinh thần nhân dân được cải thiện. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người 40 triệu đồng/năm (1.700 USD/năm) nhưng năm 2023 đã đạt 51 triệu đồng/năm (2.170 USD/năm). Điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa khang trang, xã có 2 trường đạt chuẩn quốc gia. Năm 2023, xã Bắc Phong đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao".
Việc hỗ trợ, thăm hỏi tặng quà cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, đồng bào sinh sống tại các xã vùng khó khăn... cũng được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở thực hiện kịp thời, đặc biệt trong dịp lễ, Tết. Đảm bảo 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế. Bác sĩ Trần Ngọc Dương, Trạm trưởng Trạm y tế xã Bắc Phong, cho biết: "Trạm y tế xã Bắc Phong có 5 cán bộ. So với các trạm y tế khác ở huyện, trạm y tế xã Bắc Phong tương đối đầy đủ nhân lực. Cụ thể, có bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, người phụ trách dân số. Chúng tôi được cử đi học nâng cao trình độ chuyên môn tốt hơn để phục vụ bà con. Trạm phụ trách 2 mảng công việc, khám chữa bệnh và phòng dịch. Nếu ngoài khả năng chuyên môn của trạm thì bệnh nhân sẽ được chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Ở đây, bà con đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế".
Người dân xã Định Cư, huyện Lạc Sơn chơi bóng chuyền. Ảnh: Ngọc Anh |
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Hòa Bình được triển khai đồng bộ, rộng khắp, nên tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 2,5% đến 3%/năm, giảm 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đối với nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023, ngân sách Trung ương cấp cho tỉnh Hòa Bình hơn 442 tỷ đồng (gần 17,4 triệu USD), ngân sách địa phương có gần 5 tỷ đồng (gần 197.000 USD). Các chương trình mục tiêu quốc gia không chỉ giúp đảm bảo an sinh xã hội, mà còn thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của người dân giữa vùng thành thị và nông thôn, miền núi. Huyện Tân Lạc trước đây là huyện miền núi đặc biệt khó khăn, nay đã đổi thay, sinh kế của người dân ngày càng được cải thiện. Ông Lê Chí Huyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Lạc, cho biết: "Chúng tôi triển khai thực hiện đồng bộ các dự án, trong đó chúng tôi đặc biệt quan tâm đến dự án về sinh kế, hạ tầng giao thông. Hiện nay, các xã, xóm trên địa bàn huyện đường giao thông đã đi đến tận nơi. 16/16 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Về văn hóa xã hội, huyện quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc Mường... Năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo là 12,53%, nhưng năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,45%".
Trẻ em vùng cao tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Ngọc Anh |
Phát huy thế mạnh trồng cây có múi (cam, quýt, bưởi...), đặc biệt là cây quýt là cây kinh tế mũi nhọn ở địa phương, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc đã trồng được hơn hơn 500 ha quýt. Đến vụ thu hoạch, thương lái tìm đến tận vườn nông dân để thu mua với giá 40.000 đồng/kg quýt (hơn 1,6 USD/kg). Nhờ có đầu ra ổn định lại được chính quyền xã quan tâm, nên diện mạo nông thôn, miền núi đổi thay, đời sống người dân đi lên rõ rệt. Chị Đinh Thị Quyết, người dân tộc Mường ở xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc, cho biết: "Chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn trồng cây cho bà con. Qua đó, bà con có kinh nghiệm, áp dụng để trồng trọt. Các hộ gia đình được xã hỗ trợ vay vốn làm kinh tế. Gia đình tôi trồng hơn 1.000 cây cam, cây quýt, 1 vụ thu hoạch được khoảng 20 tấn. Gia đình tôi có 6 người, bình quân 1 người thu nhập tiền lãi 200 triệu đồng/người/năm (gần 8.200 USD/người/năm). Nhờ trồng cam, quýt gia đình tôi xây được nhà, mua xe, mua máy làm cỏ".
Việc tỉnh Hòa Bình bố trí hợp lý, ưu tiên dành nguồn lực cho các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế… nên đến nay, cuộc sống đồng bào các dân tộc ở tỉnh Hòa Bình từng bước cải thiện, nâng cao.