Bản Nhót, xã Nà Phòn, tỉnh Hòa Bình phát triển du lịch

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Xã Nà Phòn khai thác những nét đặc sắc của trang phục, nhà ở, ẩm thực, dân ca dân vũ, sản phẩm thổ cẩm… để thành những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Bản Nhót, xã Nà Phòn, cách thị trấn Mai Châu, tỉnh Hòa Bình khoảng 4 km về phía Tây, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái. Nằm giữa một thung lũng bao quanh bởi núi rừng bạt ngàn, bản Nhót là một bản làng nhỏ bé, xinh đẹp. Nơi đây giữ được những nét kiến trúc, văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, nên là một nơi rất đáng đến để khám phá.

Bản Nhót, xã Nà Phòn, tỉnh Hòa Bình phát triển du lịch - ảnh 1Người dân xã Nà Phòn múa keng loóng
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
 

Bản Nhót (xã Nà Phòn) kết nối với bản Lác (xã Chiềng Châu), bản Poom Cọng (thị trấn Mai Châu) tạo thành tam giác du lịch ở huyện Mai Châu. Đến với bản Nhót, du khách sẽ lập tức bị cuốn hút bởi bức tranh rộng lớn và tràn ngập sắc xanh. Đó là màu xanh của ruộng đồng, của vườn cây và rộng hơn là màu xanh của những dãy núi nhấp nhô đang lẩn khuất giữa mây trời. Do địa hình ở đây khá bằng phẳng nên người dân không trồng ruộng bậc thang như ở Sa Pa, Hoàng Su Phì hay Mù Cang Chải mà ruộng lúa được phân chia thành những ô vuông, ô chữ nhật, tạo nên một khung cảnh làng quê bình yên, thơ mộng. Trong bản, san sát những ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái, dựng bằng cột gỗ lớn, vách tre, lợp gianh hoặc lá mây trông mộc mạc, đơn sơ. Tới du lịch bản Nhót, chị Ambra Manera, du khách Italy, bày tỏ: “Chúng tôi yêu nơi này, yêu những ngôi làng nhỏ xinh đẹp, thanh bình. Nơi đây tôi có thể thong thả đi ngắm cảnh làng này sang làng khác. Văn hóa ở đây đặc sắc, thú vị khiến tôi say mê tìm hiểu. Người dân thì rất thân thiện, luôn nở nụ cười trên môi, sẵn sàng chào đón du khách”.

Về bản Nhót, ngoài trải nghiệm cảnh đẹp thiên nhiên, du khách còn có thể tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm của bà con nơi đây, mua các món hàng làm từ thổ cẩm để làm quà tặng. Nơi đây còn có ẩm thực phong phú, đượm hương vị núi rừng Tây Bắc, như: pa pỉnh tộp, thịt lợn bản, gà nướng… Đặc biệt, tới đây du khách được xem biểu diễn múa Keng Loóng, điệu múa độc đáo của dân tộc Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Loóng theo tiếng Thái có nghĩa là cái máng hay cái cối dài làm bằng gỗ. Khi biểu diễn múa Keng Loóng người ta dùng cây gỗ hay thanh tre gõ vào thành loóng theo nhịp, tạo ra những âm thanh vui nhộn. Bà Hà Thị Tâm, người dân tộc Thái, ở xã Nà Phòn, kể:“Múa keng loóng người Thái thường có 8 người, mỗi bên loóng có 4 người. Trong đó, có 2 người ở đầu nhỏ loóng múa bắt nhịp. Biểu diễn múa, dân làng cầu mong được mùa. Khi khách đến, đội văn nghệ làng biểu diễn cho khách du lịch xem và họ rất thích. Khách du lịch cùng múa keng loóng, nhảy sạp với dân làng”. 
Bản Nhót, xã Nà Phòn, tỉnh Hòa Bình phát triển du lịch - ảnh 2Bà con xã Nà Phòn biểu diễn múa sạp chào mừng du khách

Đến với bản Nhót, du khách cũng được xem múa sạp hay nghe những làn điệu hát Khắp truyền thống của dân tộc Thái. Nghệ nhân Ưu tú Hà Thị Bích, dân tộc Thái, ở xã Nà Phòn, cho biết: “Làn điệu Khắp có giai điệu riêng biệt của dân tộc Thái, đã có từ bao đời nay, truyền lại cho bà con từ đời này sang đời khác. Tiết mục Khắp ca ngợi về nông thôn người Thái, mô tả cảnh cánh đồng, ca ngợi vẻ đẹp làng bản… Chúng tôi đã thành lập Câu lạc bộ Khắp với 30 người, có cả nam và nữ, mọi độ tuổi. Chúng tôi chọn những người có năng khiếu, nhiệt tình. Câu lạc bộ Khắp thường đi biểu diễn vào ngày lễ, ngày hội hoặc đám cưới, trẻ em mới sinh, mừng nhà mới”.

Bản Nhót, xã Nà Phòn, tỉnh Hòa Bình phát triển du lịch - ảnh 3Một góc xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình nhìn từ trên cao

Xã Nà Phòn khai thác những nét đặc sắc của trang phục, nhà ở, ẩm thực, dân ca dân vũ, sản phẩm thổ cẩm… để thành những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách trong nước và quốc tế. Ngoài ra, xã Nà Phòn hiện có 19 nhà nghỉ homestay, 2 khu nghỉ dưỡng, 100 khung cửi dệt thổ cẩm. Ông Hà Văn Ngân, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nà Phòn, cho biết: “Chúng tôi xác định phát triển du lịch dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn gắn văn hóa bản địa. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã rất cao. Năm 2022, chúng tôi có 183 hộ nghèo nhưng cuối năm 2023, chúng tôi giảm được 83 hộ nghèo, tức là giảm được hơn 10%. Để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, xã đã thành lập 2 Câu lạc bộ văn nghệ”.

Bản Nhót hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ quanh năm, văn hóa đặc sắc, độc đáo, ẩm thực phong phú. Tới du lịch bản Nhót chắc chắn là trải nghiệm trải nghiệm khó quên cho du khách. Bản Nhót đang “thay da đổi thịt” nhờ phát triển du lịch cộng đồng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu