Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ khai mạc Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022 với chủ đề “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”, diễn ra tối 11/11, tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu.
Hội chợ được tổ chức từ ngày 11 - 13/11 nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư phát triển, đồng thời quảng bá sâm Lai Châu đến cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh để sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và một số loại sâm quý khác xứng danh với tên gọi “Quốc bảo” của Việt Nam, Chính phủ và các Bộ, ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần quan tâm bảo tồn và quy hoạch phát triển cây sâm, nâng tầm giá trị của cây Sâm Việt Nam cả về mặt kinh tế lẫn phục hồi sức khỏe.
Chủ tich nước lưu ý cần quan tâm tới vấn đề chất lượng sản phẩm, sản lượng, quy mô, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho Sâm, bảo hộ sản xuất và làm tăng giá trị của Sâm thông qua công tác chế biến các sản phẩm từ Sâm; khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng, sản xuất, chế biến để có nhiều sản phẩm chất lượng từ Sâm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Trong đó, điều cần thiết trước hết là bảo vệ nguồn gene thuần chủng cây Sâm Lai Châu.
Cùng với đó, tỉnh Lai Châu cần kêu gọi các doanh nghiệp trong nước tham gia vào việc phát triển các giống Sâm của Việt Nam, đầu tư nghiên cứu, sản xuất, chế biến nhân sâm. Khuyến khích các hình thức liên doanh liên kết, đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong trồng và chế biến sâm, tạo cú hích có tính đột phá cho việc phát triển quy mô trồng, sản xuất và chế biến sâm trong nước.