Với việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia vào năm 2015, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều làm công cụ xác định mục tiêu, theo dõi tình hình nghèo đói và xây dựng chính sách.
Hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch COVID-19. Ảnh: VOV |
Cách đây 5 năm, gia đình chị Ly Lỳ So, dân tộc La Hủ, ở bản Pha Bu, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, là một trong những hộ đặc biệt khó khăn của bản. Nhờ được vay vốn, cán bộ về dạy làm lúa nước, đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm… nên năm nay gia đình chị có thu nhập ổn định, không chỉ đủ ăn mà còn có tới 15 con trâu, bò.
Chị Ly Lỳ So cho biết: "Tập tục lạc hậu bây giờ cũng đã được đẩy lùi đi nhiều rồi, không phải như trước nữa, người dân cũng hiểu biết hơn rồi. Cán bộ xuống làm việc với dân bà con cũng nghe theo và làm theo; làm kinh tế chịu khó chăn nuôi, làm ăn gà, vịt cũng có nhiều rồi. Cuộc sống của bà con thì khá hơn trước, tốt đẹp hơn trước, không đói nghèo như trước nữa".
Theo báo cáo kết quả giảm nghèo của Việt Nam năm 2021, giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện. Tỷ lệ người nghèo đã giảm mạnh từ 57% vào đầu những năm 1990 xuống còn 5,2% vào năm 2020. Hàng triệu hộ gia đình đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả; nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, một số địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Tuy nhiên, do chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, và do ảnh hưởng hai năm đại dịch Covid-19, công tác giảm nghèo của Việt Nam còn thiếu bền vững.
Trung ương Hội Chữ thập đỏ tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng do thiên tai. Ảnh: VOV |
Thiên tai, dịch bệnh có thể làm gia tăng đáng kể số hộ nghèo, nhất là nghèo đô thị. Do đó, để phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm thì đào tạo nghề và tạo việc làm cho người nghèo là vấn đề quan trọng. Cùng với sự thay đổi cách thức hỗ trợ cho người nghèo; nhân rộng các mô hình, sáng kiến xóa đói giảm nghèo; ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế trong việc xóa đói giảm nghèo phù hợp với từng địa phương là cách Việt Nam thực hiện tốt các mục tiêu mới trong giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, nêu rõ: "Muốn giảm nghèo bền vững, chúng ta phải bám sát vào các chủ trương của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là các chương trình mục tiêu. Hiện nay Ủy ban Dân tộc đang chủ trì chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong các giải pháp để thực hiện chương trình mục tiêu này của từng dự án hợp phần thì đã có những giải pháp hết sức cụ thể về nguồn lực, về quản lý điều hành, về công tác giám sát, kiểm tra; sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và vai trò của người dân trong từng dự án đó như thế nào. Trong quá trình triển khai thì cũng cần phải có những đánh giá để rút ra những bài học kinh nghiệm và đồng thời tìm ra những thiếu sót, hạn chế để chúng ta bổ sung những chính sách phù hợp hơn".
Để đạt được mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội và đặc biệt phải phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng địa phương và nâng cao nhận thức, sự chủ động của chính người dân khi được trao cơ hội thoát nghèo.