Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: Chủ động hội nhập, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Chia sẻ
(VOV5) - Sáng 23/01, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục thảo luận về các văn kiện trình Đại hội. Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng điều hành phiên thảo luận.

(VOV5) - Sáng 23/01, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục thảo luận về các văn kiện trình Đại hội. Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng điều hành phiên thảo luận.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: Chủ động hội nhập, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế - ảnh 1


Trình bày tham luận tại Đại hội, đại biểu Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, khẳng định mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân chính là nhân tố có ý nghĩa quyết định để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đã phát huy ngày càng cao vai trò là người sáng tạo ra lịch sử trong suốt 30 năm đổi mới, trong việc xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân thì các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đều phải được nhân dân tham gia ý kiến, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, được nhân dân đồng thuận ủng hộ và tự giác thực hiện. Đại biểu Thào Xuân Sùng cho rằng:"Trong những năm tới, cần đẩy mạnh lãnh đạo có hiệu quả công cuộc đổi mới và tăng cường thế chế hóa Hiến pháp 2013, các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Triển khai các chủ trương, đường lối này theo hướng phát huy dân chủ và xây dựng Nhà nước Việt Nam thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân để đảm bảo nguyên tắc "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân".

 

Tham luận của các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tranh thủ và tận dụng tối đa ngoại lực để phục vụ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Tham luận của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh về vấn đề “Đưa quá trình hội nhập quốc tế vào chiều sâu, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam” đã khái quát những thành tựu trong công tác đối ngoại của đất nước trong 5 năm qua; khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế mà Đại hội Đảng XI đã đề ra. Phó Thủ tướng cho rằng trong giai đoạn 5-10 năm tới, đưa quá trình hội nhập quốc tế vào chiều sâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội, để tạo dựng các mối quan hệ lâu dài, ổn định với các đối tác, gia tăng tính ổn định, bền vững của môi trường chính trị, an ninh, đưa đất nước lên vị trí cao hơn trong khu vực và trên thế giới. Muốn thực hiện đúng các quan điểm về hội nhập quốc tế được nêu trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XII, công tác đối ngoại cần thực hiện tốt các công việc sau:“Thứ nhất, thực hiện triệt để phương châm triển khai đồng bộ các định hướng đối ngoại được Đại hội XII của Đảng thông qua, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình hội nhập quốc tế; Thứ 2 là đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác, nhất là các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, thúc đẩy quan hệ chính trị, thương mại, đầu tư… Thứ 3, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, trong đó tăng cường phổ biến các cam kết quốc tế đã nội luật hóa, các quy định trong quá trình triển khai, biến quá trình hội nhập từ các hoạt động chủ yếu do các cơ quan nhà nước tiến hành thành quá trình tham gia chủ động, tích cực của các địa phương, doanh nghiệp, người dân”.


Tại phiên thảo luận của Đại hội, đại diện Ban Kinh tế Trung ương trình bày tham luận với chủ đề "Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2016 -2020". Tham luận thẳng thắn đánh giá qua 30 năm đổi mới, những thành tựu đạt được của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là hết sức quan trọng, tuy nhiên vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Ban Kinh tế Trung ương đã nghiên cứu một số định hướng, chính sách lớn về phát triển công nghiệp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2035 nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời đề xuất 5 giải pháp chủ yếu, trong đó nhấn mạnh cần tăng cường ổn định bền vững kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất lao động quốc gia, đẩy mạnh đầu tư phát triển khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
.  

Kết thúc 1 ngày rưỡi thảo luận, đã có 34 đại biểu trình bày tham luận về các vấn đề quan trọng trong các văn kiện của Đại hội.


Sau phiên thảo luận, Đại hội làm việc về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII dưới sự điều hành của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đại hội thảo luận và biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là 200 người, gồm 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết. Sau phiên họp toàn thể, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại đoàn về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Trước đó, trong phiên họp sáng nay, thay mặt Đoàn thư ký Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Phó Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Thưởng thông báo tính đến ngày 23/1 Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam nhận được 200 điện mừng của các chính Đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu