Báo cáo UPR chu kỳ IV của Việt Nam đảm bảo nguyên tắc minh bạch, hợp tác, đối thoại thực chất và xây dựng

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Dự kiến ngày 7/5 tới, Việt Nam sẽ tham gia đối thoại về Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Vừa qua, Việt Nam đã chính thức nộp Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV cho Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Dự kiến ngày 7/5 tới, Việt Nam sẽ tham gia đối thoại về Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Báo cáo UPR chu kỳ IV của Việt Nam đảm bảo nguyên tắc minh bạch, hợp tác, đối thoại thực chất và xây dựng - ảnh 1Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì cuộc họp báo chiều 15/4. Ảnh:tienphong.vn

Tại cuộc họp báo quốc tế diễn ra chiều nay (15/4), tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết UPR là một trong những cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng nhân quyền với nhiệm vụ rà soát tình hình nhân quyền tại tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Qua đó, thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ cam kết về quyền con người của mình trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan và minh bạch: "Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam rất coi trọng cơ chế UPR và luôn nghiêm túc xây dựng các báo cáo quốc gia cũng như là triển khai các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận tại tất cả các chu kỳ. Báo cáo của Việt Nam cung cấp tình hình cập nhật với những dẫn chứng, những thông tin và số liệu cụ thể, qua đó, khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, nhất là trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người thực hiện nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, cũng như những thành tựu của Việt Nam về giảm nghèo đa chiều bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân và bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương".

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định thời gian qua, Việt Nam đã rà soát toàn diện việc thực hiện những khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận tại Báo cáo UPR chu kỳ III. Tính đến tháng 1/2024, trong số 241 khuyến nghị đã chấp thuận tại chu kỳ III, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị, chiếm 86,7%. Đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong một giai đoạn đầy biến động của thế giới với nhiều thách thức nổi lên như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, an ninh lương thực, xung đột vũ trang…

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cũng nhấn mạnh Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV của Việt Nam đã được tiến hành một cách nghiêm túc, toàn diện, có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan cũng như các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam. Việc Việt Nam nộp và tham gia đối thoại Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV tại Hội đồng Nhân quyền càng có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu