ASEAN-Trung Quốc khẳng định duy trì môi trường hoà bình, an ninh, ổn định

Chia sẻ
(VOV5) - Hội nghị khẳng định duy trì môi trường hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có ở Biển Đông.

Sáng 3/8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Trung Quốc. 

Tại đây, hai bên nhất trí tiếp tục ưu tiên phối hợp kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đồng thời hỗ trợ lẫn nhau đẩy mạnh các nỗ lực phục hồi bền vững.

ASEAN-Trung Quốc khẳng định duy trì môi trường hoà bình, an ninh, ổn định - ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Trung Quốc. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Hội nghị khẳng định duy trì môi trường hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có ở Biển Đông, là quan tâm và lợi ích chung của cả ASEAN và Trung Quốc. Các Bộ trưởng hoan nghênh các nỗ lực sớm nối lại đàm phán bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), bao gồm Cuộc họp quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về triển khai Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) lần thứ 19 ngày 07/6/2021 tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Các Bộ trưởng cam kết tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và thúc đẩy đàm phán xây dựng COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

ASEAN-Trung Quốc khẳng định duy trì môi trường hoà bình, an ninh, ổn định - ảnh 2Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Trung Quốc. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh các bên cần thể hiện thiện chí hợp tác, hành động có trách nhiệm, cùng nhau hướng tới xây dựng Biển Đông hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và bảo vệ môi trường; các bên cần thượng tôn pháp luật, giải quyết các tranh chấp và khác biệt thông qua các biện pháp hòa bình; Việt Nam cam kết cùng các nước ASEAN và Trung Quốc tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC, hoan nghênh việc nối lại đàm phán COC và Việt Nam sẽ nỗ lực tối đa thúc đẩy tiến trình đàm phán hướng tới hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, và được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu