Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2024 xuất sắc về đích

Ánh Huyền + Nguyên Long
Chia sẻ
(VOV5) - Theo các chuyên gia kinh tế, xuất nhập khẩu năm 2024 đạt mức kỷ lục chưa từng có trong 40 năm đổi mới của Việt Nam.

Bức tranh kinh tế Việt Nam 2024 đạt nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong năm qua với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới, khoảng 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao. Đáng chú ý, năm 2024 cũng là năm thứ 9 Việt Nam ghi nhận xuất siêu. Đây là một trong những cấu phần quan trọng để quyết định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thời gian tới.

Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2024 xuất sắc về đích - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: congthuong.vn

Theo các chuyên gia kinh tế, xuất nhập khẩu năm 2024 đạt mức kỷ lục chưa từng có trong 40 năm đổi mới của Việt Nam. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với những thách thức, tiếp tục tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

“Trái ngọt” từ sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự đồng hành của Chính phủ

Xuất khẩu sang hầu hết các khu vực thị trường tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Bên cạnh các thị trường lớn, thị trường truyền thống, năm qua, Việt Nam cũng khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, châu Phi, với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA).

Xuất khẩu tại cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều tăng mạnh. Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, đánh giá: “Tốc độ tăng trưởng này khá cao so với các giai đoạn trước đây. Điều này cho thấy khả năng thích ứng, khả năng linh hoạt, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, cùng những hỗ trợ về vai trò kiến tạo của Chính phủ, đã đem đến con số kim ngạch xuất nhập khẩu đáng khích lệ như vậy. Và chính hoạt động xuất nhập khẩu này đã hỗ trợ ngược trở lại cho nền kinh tế. Chỉ số về tăng trưởng công nghiệp hay sự hồi phục của ngành chế biến chế tạo đã được hỗ trợ rất lớn bởi tốc độ xuất nhập khẩu được gia tăng mạnh mẽ này.”

Đáng chú ý, cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô. Ở lĩnh vực nông nghiệp, dù gặp rất nhiều khó khăn do cơn bão Yagi, nhưng năm 2024 là một năm bứt phá của ngành nông nghiệp Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 63 tỷ USD, tăng trên 18% so năm ngoái. Xuất siêu toàn ngành nông nghiệp đạt 18,6 tỷ USD.

Theo đánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, xuất nhập khẩu năm 2024 đạt mức kỷ lục chưa từng có trong 40 năm đổi mới là nhờ nỗ lực tổng hợp của doanh nghiệp, Chính phủ, các bộ, ngành: “Đà xuất khẩu của Việt Nam đến từ rất nhiều các yếu tố. Một trong những yếu tố đó là thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh, kết hợp với việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, mở ra thị trường rất lớn. Thứ hai, thị trường nông sản Việt Nam thời gian qua chuyển biến mạnh khiến quy mô xuất khẩu tăng lên, cả về giá và lượng. Trên hết, tôi cho rằng chính sách xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian qua nhìn tổng thể là rất thành công. Thêm nữa, là sự nỗ lực của doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngày càng hiểu sâu hơn về thị trường, biết cách làm ăn theo chuỗi, phản xạ rất nhanh trước tất cả những biến động, những đòi hỏi của các thị trường khó tính, tránh các rào cản thương mại… Tất cả các yếu tố đó tạo nên một bức tranh lạc quan của Việt Nam 2024 này và năm sau tôi nghĩ chắc chắn là còn triển vọng hơn.”

Tạo đà bứt phá trong giai đoạn tới

Những kết quả xuất nhập khẩu năm 2024 là tiền đề để tạo đà bứt phá cho năm 2025 và những năm tiếp theo. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đứt gãy chuỗi cung ứng, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện hoạt động quản lý nhà nước. Đặc biệt, tăng cường mở cửa thị trường và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Công Thương, khẳng định:“Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và đặc biệt là đẩy mạnh chương trình xuất khẩu chính ngạch. Chúng tôi tiếp tục phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong khai thác, đàm phán các thỏa thuận với các thị trường xuất khẩu chính đối với hàng nông, thủy sản của Việt Nam để có thể xuất khẩu chính ngạch. Ngoài ra, Bộ Công thương tiếp tục đàm phán và ký kết sớm các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tạo khuôn khổ pháp lý, đặc biệt mở ra được những thị trường có ưu đãi cao và mang tính ổn định, tính ràng buộc về mặt pháp lý cao hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam.”

Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu cao hơn năm 2024. Với vị thế ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng, quy mô sản xuất ngày càng lớn, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, mục tiêu này là hoàn toàn thành hiện thực.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu