Ngành Công Thương phải có giải pháp đột phá để hoàn thành các nhiệm vụ lớn trong năm 2025

Chia sẻ
(VOV5) -"Muốn giải phóng được nguồn lực, thu hút được đầu tư thì việc đầu tiên là phải tạo được môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch".

Hôm qua (23/12), phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Công Thương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao những kết quả nổi bật của ngành Công Thương, góp phần quan trọng vào việc tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt trên 7%.

Ngành Công Thương phải có giải pháp đột phá để hoàn thành các nhiệm vụ lớn trong năm 2025 - ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị. 
Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Xuất, nhập khẩu tiến đến mốc 800 tỷ USD, ước kim ngạch xuất khẩu đạt 403 tỷ USD. Điểm nổi bật là kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực.

Về nhiệm vụ của ngành Công thương trong năm 2025, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: "Muốn giải phóng được nguồn lực, thu hút được đầu tư thì việc đầu tiên là phải tạo được môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch và khơi thông được rào cản về các thủ tục hành chính cho phát triển sản xuất công nghiệp và thúc đẩy thương mại, lưu thông hàng hoá. Theo đó, cần tiếp tục xác định công tác xây dựng thể chế, chính sách là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó trước mắt cần khẩn trương triển khai cụ thể Luật điện lực sửa đổi và chủ trương lớn được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội vừa qua về khởi động lại các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; trình Quốc hội dự thảo Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả ngay trong năm 2025 và triển khai cụ thể nghị quyết Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo."

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng yêu cầu ngành Công thương tiếp tục rà soát, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích đủ mạnh để phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, như luyện kim cơ khí, cơ khí, chế tạo, công nghiệp điện tử, bán dẫn, công nghiệp vật liệu, thúc đẩy mạnh các ngành công nghiệp phụ trợ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu