Hơn 2 tuần sau cuộc chính biến dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền ông Bashar Al-Assad, các lực lượng nắm quyền tại Syria cùng cộng đồng quốc tế đang nỗ lực xây dựng một lộ trình chung hướng đến hòa bình và ổn định lâu dài tại quốc gia này.
Hôm 19/12, một phái đoàn ngoại giao cấp cao Mỹ, do Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Trung Đông Barbara Leaf dẫn đầu, lần đầu tiên có mặt tại thủ đô Damascus của Syria sau hơn 13 năm để thảo luận về quan hệ tương lai với lực lượng cầm quyền mới tại Syria. Sự kiện này đánh dấu khởi đầu của một cục diện chính trị mới tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá hơn 1 thập kỷ qua.
Xe của phái đoàn Mỹ rời khách sạn ở Damascus, Syria hôm 20/12. Ảnh: AFP |
Các tín hiệu ngoại giao tích cực
Trong tuyên bố đưa ra sau các cuộc thảo luận đầu tiên với lãnh đạo của Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm Hồi giáo dẫn đầu lực lượng đang nắm quyền tại Syria, phái đoàn ngoại giao Mỹ phát đi thông điệp tích cực, cho biết HTS cam kết không cho phép các nhóm khủng bố gây ra mối đe dọa trong và ngoài Syria, bao gồm cả với Mỹ và các đối tác trong khu vực, cũng như việc lực lượng cầm quyền mới tại Syria sẵn sàng xây dựng quan hệ hòa bình với Mỹ. Sau cuộc gặp, phía Mỹ cũng chính thức hủy bỏ lệnh treo thưởng 10 triệu USD cho việc bắt giữ ông Ahmed Al-Sharaa, thủ lĩnh của HTS.
Động thái tích cực từ phía Mỹ đã mở đường cho một loạt các hoạt động ngoại giao của nhiều quốc gia khác. Ngày 21/12, Qatar thông báo mở lại Đại sứ quán của nước này tại thủ đô Damascus sau 13 năm đóng cửa. Các quốc gia Arab như: Saudi Arabia, Jordan… cũng đã cử các phái đoàn ngoại giao đến Syria. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong các diễn biến chính trị vừa qua tại Syria, đã sớm mở lại Đại sứ quán ở Syria từ hôm 14/12, đồng thời đưa ra một loạt các cam kết hỗ trợ khác cho chính quyền mới tại Syria cả về mặt ngoại giao lẫn quân sự. Ngay cả các nước vốn có quan hệ mật thiết với chính quyền vừa sụp đổ của ông Bashar Al-Assad cũng tuyên bố ủng hộ việc tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định trong một đất nước Syria được bảo đảm sự toàn vẹn về chủ quyền. Theo giới quan sát, diễn biến chính trị bất ngờ vừa qua đang buộc các nước trong khu vực, cũng như các cường quốc ngoài khu vực, chạy đua tranh giành ảnh hưởng tại Syria. Chuyên gia của Chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Chatham House (Anh), ông Bader Al-Saif, nhận định cuộc chạy đua này đang diễn ra tương đối hòa bình, nhưng cảnh báo tiến trình hòa bình mới tại Syria đang ở giai đoạn đầu, hết sức mong manh nên cần tránh bất cứ sự can thiệp quá mức nào từ bên ngoài: “Con đường dẫn đến tương lai của Syria thường xuyên được đánh giá hoặc là hỗn loạn, bất ổn hoặc lại toàn màu hồng và các tin tức tốt lành. Tôi nghĩ cả hai đều không đúng. Tương lai của Syria sẽ là sự pha trộn của cả hai và chúng ta cần phải ý thức được rằng mọi việc hiện nay mới đang được tiến hành”.
Ahmed Al-Sharaa, thủ lĩnh nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS). Ảnh: PSB |
Quan điểm này cũng là yêu cầu được thủ lĩnh HTS, ông Ahmed Al-Sharaa đưa ra trong các tiếp xúc đầu tiên với đại diện ngoại giao các nước. Theo lãnh đạo mới của Syria, tiến trình hòa bình mới tại Syria trước tiên cần phải do chính người Syria định đoạt: “Điều quan trọng nhất là các cường quốc cần phải đồng thuận đối với nguyên tắc chung về Syria. Đầu tiên, đó là sự độc lập trong việc ra quyết định của Syria và sự thống nhất lãnh thổ, ổn định về mặt an ninh của chúng tôi. Tiếp đến, là việc giúp đỡ Syria giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội mà người dân Syria đang phải chịu đựng”.
Bài toán nhân đạo
Đối với cộng đồng quốc tế, cục diện chính trị mới tại Syria mở ra một tương lai mới khó đoán định với quốc gia này nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội giải quyết một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới phải ứng phó trong một thập kỷ qua là vấn đề người tị nạn Syria. Theo các dự báo của Liên hiệp quốc, với việc Syria thành lập chính quyền mới, dự kiến sẽ có ít nhất 1 triệu người tị nạn Syria trở về nước trong 6 tháng tới. Hàng triệu người khác có thể hồi hương trong giai đoạn tiếp theo, khi tình hình chính trị và kinh tế tại Syria được cải thiện.
Tuy nhiên, việc hàng triệu người Syria hồi hương cũng sẽ đặt ra các thách thức to lớn về nhân đạo bởi sau hơn 1 thập kỷ chìm trong nội chiến và xung đột, nền kinh tế Syria hiện trong tình trạng kiệt quệ, cơ sở hạ tầng tại nhiều thành phố lớn, như: Aleppo, Hama, Homs… bị phá hủy gần như hoàn toàn. Do đó, việc phải tiếp nhận ngay lập tức hàng triệu người hồi hương có thể tạo gánh nặng kinh tế-xã hội quá sức đối với chính quyền mới tại Syria và đe dọa chính tiến trình hòa bình đang mong manh tại quốc gia này. Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), bà Amy Pope, cho biết: “Những gì chúng ta đang chứng kiến trên thực địa là việc có một số lượng quá lớn người tị nạn hồi hương, trong một bối cảnh quá mong manh. Điều này có thể làm quá tải Syria và tạo nên các tác động nghiêm trọng hơn đối với một tiến trình hòa bình còn đang rất yếu ớt tại đây”.
Người tị nạn Syria hồi hương tại cửa khẩu Cilvegozu, Reyhanli, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 12/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Nhằm giải quyết các thách thức về nhân đạo trước mắt cho Syria, Ủy ban Điều tra Liên hiệp quốc về Syria (UNCIS) tuần trước đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp, yêu cầu cộng đồng quốc tế dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Syria nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho hàng triệu người dân đang gặp khó khăn. Theo Chủ tịch UNCIS, ông Paulo Sérgio Pinheiro, các lệnh trừng phạt hiện hành đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là đối với những người dân nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương nhất tại Syria. Ông nhấn mạnh rằng việc dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái thiết đất nước và cải thiện cuộc sống của người dân.
Trong lúc này, chính quyền lâm thời Syria cũng vạch ra ưu tiên trước mắt là ổn định cuộc sống cho người dân. Hôm 19/12, quyền Bộ trưởng Thương mại nội địa Syria, Maher Khalil al-Hassan, cho biết chính quyền lâm thời ở Syria đang xem xét một loạt cải cách, bao gồm tăng lương tới 400% và loại bỏ sự trợ giá của chính phủ đối với một số hàng hóa chiến lược nhằm tự do hóa nền kinh tế và hạn chế tình trạng trục lợi, qua đó giúp người dân Syria tạm thời ổn định cuộc sống trước khi các hoạt động cứu trợ nhân đạo của quốc tế được triển khai mạnh mẽ hơn.