Biến động tại Syria tác động khó lường tới khu vực và thế giới

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Nhiều quốc gia trong khu vực tuyên bố sẵn sàng giúp Syria ổn định tình hình và xây dựng kế hoạch chuyển tiếp quyền lực. 

Lực lượng nổi dậy Hayat Tahrir al-Sham (HTS) tại Syria, hôm 08/12, tiến vào thủ đô Damascus lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad, tạo nên biến động chính trị lớn nhất trong hơn 5 thập kỷ qua tại quốc gia Trung Đông. Sự kiện này cũng có thể gây ra những tác động khó lường với khu vực và thế giới trong thời gian tới.

Biến động tại Syria tác động khó lường tới khu vực và thế giới - ảnh 1Quân chính phủ Syria đã sụp đổ chóng vánh trước đòn tấn công của phiến quân - Ảnh: AFP/TTXVN

Sau thời gian dài hoạt động kín đáo, hôm 27/11, lực lượng HTS ở miền Bắc Syria bất ngờ phát động các cuộc tấn công nhằm vào các vùng lãnh thổ do chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad nắm giữ. Trước sự kháng cự yếu ớt bất ngờ của quân đội Syria, chỉ trong vòng 10 ngày, HTS đã chiếm giữ hàng loạt các thành phố trọng yếu của Syria và hôm 08/12 tiến vào thủ đô Damascus, lật đổ chính quyền đương thời.

Sụp đổ bất ngờ

Sự sụp đổ chóng vánh của chính quyền Tổng thống Bachar Al-Assad gây bất ngờ cho tất cả các bên, bao gồm cả các đồng minh quan trọng của Syria. Trong 10 ngày HTS tấn công, lực lượng quân đội Syria hầu như không tạo nên phản kháng nào đáng kể, ngoại trừ những ngày đầu giao tranh căng thẳng quanh khu vực Aleppo, thành phố lớn thứ 2 của Syria. Sau khi thành phố Aleppo thất thủ hôm 30/11, chính quyền của Tổng thống Bachar Al-Assad cũng nhanh chóng đánh mất các thành phố trọng yếu khác là Hama, Homs trong các ngày tiếp theo và đến ngày 08/12, lực lượng HTS đã tiến vào thủ đô Damascus mà gặp rất ít thương vong.

Theo giới quan sát, sự kháng cự yếu ớt và sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, các cuộc tấn công của HTS đến vào thời điểm cán cân quyền lực ở Trung Đông có nhiều thay đổi. Hezbollah, lực lượng ở Li-băng chiến đấu cùng chính phủ al-Assad, đã chịu nhiều tổn thất trong cuộc chiến với Israel từ nhiều tháng qua còn Iran cũng đang trong giai đoạn dễ bùng nổ xung đột toàn diện với Israel nên buộc phải hành động thận trọng. Trong khi đó, Nga, một đồng minh chủ chốt khác của Syria, lại đang phải tập trung các nguồn lực cho cuộc xung đột tại Ukraine nên chỉ có thể hỗ trợ quân đội Syria một cách hạn chế bằng lực lượng không quân tương đối nhỏ mà Nga đang duy trì ở căn cứ Hmeimim. Do đó, chính quyền của ông Bashar al-Assad thiếu đi những hỗ trợ quan trọng nhất về quân sự và an ninh. Tiếp đến, đó là tình trạng kiệt quệ của nền kinh tế và quân đội Syria sau 13 năm nội chiến khốc liệt khiến hàng triệu người tại quốc gia này thiệt mạng. Sự suy yếu này khiến các đội quân chủ lực của Syria mất đi sức mạnh và không có động lực chiến đấu cần thiết.

Ông Ibrahim Al-Assil, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Trung Đông (Mỹ), nhận định: “Tôi nghĩ yếu tố mang tính sống còn trong việc HTS có khả năng đẩy lùi quân đội Syria đó là họ có một mục tiêu, trong khi đó quân đội Syria lại không có một mục tiêu rõ ràng là tại sao họ phải chiến đấu”.

Đối với người dân Syria, biến động chính trị chớp nhoáng hiện nay được đón nhận một cách tương đối hòa bình. Sau khi HTS và một số nhóm vũ trang đồng minh tiến vào tiếp quản thủ đô Damascus, trật tự về cơ bản vẫn được duy trì. Ông Haid Haid, chuyên gia thuộc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Chatham House (Anh), đánh giá: “Lần đầu tiên người dân Syria có một khả năng là thời gian sắp tới sẽ tốt đẹp hơn hiện nay. Tất nhiên, cũng sẽ có rủi ro là mọi việc sẽ tệ hơn, nhưng đây là lần đầu tiên Syria có nhiều hơn một khả năng”.

Tác động khó lường với khu vực

Biến động chính trị to lớn tại Syria chắc chắn sẽ có các tác động lớn đến khu vực Trung Đông và thế giới, do vị trí địa chính trị quan trọng của quốc gia này cũng như các mỗi liên kết an ninh phức tạp giữa nhiều lực lượng tại Syria với các nhân tố bên ngoài. Trước mắt, việc HTS đánh chiếm quyền lực quá nhanh khiến các thông tin và nhận định về lực lượng này vẫn tương đối hạn chế. Theo chuyên gia Ibrahim Al-Assil, lực lượng HTS có nguồn gốc ban đầu là Jabhat al-Nusra, một nhánh tại Syria của tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Tuy nhiên, kể từ năm 2017 đến nay, HTS đã có nhiều thay đổi theo hướng từ bỏ dần nhiều lý tưởng cực đoan và nhiều lần tuyên bố muốn xây dựng một xã hội Hồi giáo hiện đại hơn so với các giáo lý cổ điển. Việc HTS cho biết muốn chia sẻ quyền lực với các lực lượng khác tại Syria, đồng thời vẫn giữ liên lạc với chính quyền ông Bashar al-Assad cho thấy một số tín hiệu tích cực về nhóm này. Dù vậy, chuyên gia Ibrahim Al-Assil nhấn mạnh vẫn cần thận trọng và đánh giá HTS dựa vào các động thái tiếp theo của nhóm này.

Chia sẻ nhận định cần phải thận trọng đánh giá HTS, chuyên gia nghiên cứu Syria thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, ông Qutaiba Idlbi cho rằng tác động của chính biến tại Syria lên khu vực sẽ phụ thuộc nhiều vào những tháng tiếp theo, khi các lực lượng tại Syria thảo luận về quá trình chuyển tiếp. Đối với các thắc mắc về các cách tiếp cận sắp tới của chính quyền Mỹ đối với Syria, chuyên gia Qutaiba Idlbi nhận định: “Đối với Mỹ, không có lợi ích chiến lược nào tại Syria lớn hơn việc chống khủng bố, ngăn chặn làn sóng người tị nạn hay ngăn cản các hoạt động của Iran tại đây lan sang các nơi khác. Ngoài những điều đó thì Mỹ không thực sự có lợi ích nào trong việc áp đặt nhà nước Syria sắp tới sẽ ra sao”.

Trong lúc này, các thảo luận về giai đoạn chuyển tiếp tại Syria đang được nhiều bên thúc đẩy. Nhiều quốc gia trong khu vực tuyên bố sẵn sàng giúp Syria ổn định tình hình và xây dựng kế hoạch chuyển tiếp quyền lực. Phát biểu hôm 08/12 tại Diễn đàn Doha ở Qatar, Đặc phái viên của Liên hiệp quốc (LHQ) về Syria, ông Geir Pedersen, cho rằng dù quá trình xây dựng lại đất nước Syria đổ nát và chia rẽ là điều vô cùng khó khăn, phức tạp nhưng đây là cơ hội không thể bỏ lỡ: “Những thách thức trước mắt vô cùng to lớn và chúng tôi lắng nghe thấy những tiếng nói bất an và lo sợ. Nhưng đây là thời điểm cần nắm bắt cơ hội để hồi sinh Syria và sự bền bỉ của người dân Syria mang đến con đường tiến lên một đất nước Syria đoàn kết và hòa bình”.

Trong đề xuất đầu tiên, Liên minh Quốc gia Syria đối lập, tổ chức quy tụ những lực lượng chính trị đối lập của Syria ở nước ngoài, hôm 08/12 kêu gọi thực thi một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 18 tháng để soạn thảo hiến pháp, tiến tới tổng tuyển cử. Tuy nhiên, lực lượng HTS và các phe phái trong nước tại Syria chưa phản hồi về đề xuất này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu