Tại hội thảo tham vấn Dự thảo Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) diễn ra cuối tuần qua (24/3), tại Hà Nội, Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ và kiên định cùng bạn bè quốc tế thực hiện các mục tiêu SDGs nhằm hướng tới một thế giới bền vững, bao trùm và thịnh vượng cho tất cả mọi người.
Thảo luận về Dự thảo Rà soát quốc gia tự nguyện và đề xuất các lĩnh vực ưu tiên trong triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Ảnh: VOV |
Năm 2023 là năm thế giới đi được một nửa chặng đường trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs và cũng tròn 5 năm Việt Nam tham gia Rà soát quốc gia tự nguyện lần thứ nhất (năm 2018). Với mong muốn chia sẻ kết quả đạt được, khó khăn thách thức và bài học kinh nghiệm trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs, Việt Nam đã đăng ký và được Liên hợp quốc công bố chính thức là 1 trong 42 quốc gia sẽ tham gia trình bày VNRs vào tháng 7 năm 2023.
SDGs đã trở thành mục tiêu xuyên suốt trong các chiến lược, chính sách quốc gia
Chương trình nghị sự 2030 được các nước thành viên Liên Hợp quốc (LHQ) thông qua vào tháng 9/2015 với trọng tâm là 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Việt Nam lần đầu tiên xây dựng và trình bày Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR), tức báo cáo về lộ trình thực hiện SDGs, vào năm 2018.
5 năm qua, các mục tiêu phát triển bền vững SDGs đã trở thành mục tiêu xuyên suốt trong các chiến lược, chính sách quốc gia, ngành và lĩnh vực, trong đó yếu tố “No one left behind- Không ai bị bỏ lại phía sau” luôn được nhấn mạnh trong các chính sách của Việt Nam. Thành quả là Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể gồm 4 mục tiêu đạt tiến triển tốt: Không còn nghèo (mục tiêu 1); Nước sạch và vệ sinh môi trường (mục tiêu 6); Công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng (mục tiêu 9); Giảm bất bình đẳng (mục tiêu 10).
Tiến sỹ Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VOV |
Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 9,2% xuống còn 3,6% trong giai đoạn 2016 - 2022. Việt Nam cung cấp nước sạch cho 98,1% dân số và nhà tiêu hợp vệ sinh cho 95,6% dân số. Việt Nam cũng ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ đã dẫn đến những cải thiện ấn tượng trong phát triển công nghiệp, tăng cường đổi mới và xây dựng cơ sở hạ tầng. Tăng trưởng bao trùm và tăng phân bổ nguồn lực cho an sinh xã hội 15%/năm góp phần giảm bất bình đẳng… Nếu Việt Nam giữ tốc độ tiến bộ như vậy trong những năm còn lại thì sẽ đạt được hầu hết các chỉ số vào năm 2030.
Đề cập về việc Việt Nam đăng ký trình bày VNRs tại Liên hợp quốc (dự kiến vào tháng 7 năm 2023), Tiến sỹ Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Tham gia Rà soát quốc gia tự nguyện năm 2023, Việt Nam mong muốn chia sẻ thành tựu, bước tiến đã đạt được trong thực hiện các mục tiêu SDGs; đồng thời chia sẻ khó khăn, thách thức, bài học kinh nghiệm trong thực hiện SDGs và đưa ra những định hướng, các hoạt động trọng tâm trong nửa chặng đường còn lại. Tham gia Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) năm 2023 khẳng định Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ và kiên định cùng bạn bè quốc tế trong việc thực hiên các mục tiêu SDGs nhằm hướng tới một thế giới bền vững, bao trùm và thịnh vượng cho tất cả mọi người".
Các lĩnh vực ưu tiên trong triển khai thực hiện SDGs tới đây
Để đảm bảo thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030, bên cạnh duy trì tốc độ thực hiện các mục tiêu đã đạt được, Việt Nam sẽ phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu chưa đạt. Đặc biệt, Việt Nam cũng cần tăng tốc trong mở rộng quan hệ đối tác để thúc đẩy thực hiện SDGs, nhất là tập trung vào việc huy động thêm nguồn lực tài chính (mục tiêu 17). Theo đó, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hỗ trợ phục hồi sau dịch COVID-19 cần được ưu tiên. Huy động các nguồn tài chính bổ sung và tăng hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính hiện có cho phát triển bền vững. Ngoài ra, đầu tư vào nguồn nhân lực, đổi mới, số hóa để cải thiện năng suất là một lĩnh vực trọng tâm khác. Tiến sỹ Phạm Mỹ Hằng Phương, thành viên nhóm chuyên gia tư vấn Dự thảo báo cáo VNR cho rằng: "Việt Nam cần có những nỗ lực trong giai đoạn tiếp theo và cần những giải pháp mang tính chiến lược và tổng thể để có thể thực hiện được Chương trình nghị sự Nhóm giải pháp đầu tiên là ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là hướng tới những giải pháp liên quan đến kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn".
Việt Nam cũng nên ưu tiên thúc đẩy cải cách hành chính công, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của hệ thống hành chính. Đây là những yếu tố quan trọng để giải quyết các nút thắt thể chế cho tăng trưởng bao trùm trong những năm tới. Cần nỗ lực hơn nữa để đạt được các SDG cho các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là những người nghèo nhất và dân tộc thiểu số.
Chỉ còn 7 năm nữa để Việt Nam hoàn thành SDGs (vào năm 2030). Những thành quả đạt được trong thời gian qua và những định hướng sắp tới là động lực, là cơ sở để Việt Nam hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.