Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự về nước

Chia sẻ
(VOV5) - Tại hội nghị, gần 700 cam kết của các nước thành viên trong việc bảo vệ “nguồn tài nguyên chung toàn cầu quý báu nhất của nhân loại”.

Sau 3 ngày làm việc, chiều qua (24/3), tại thành phố New York (Mỹ), hội nghị Nước Liên hợp quốc 2023 bế mạc với việc thông qua Chương trình nghị sự về nước và nhiều cam kết ý nghĩa khác.

Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự về nước - ảnh 1Quang cảnh Hội nghị Nước Liên hợp quốc. Ảnh: VOV

Các đoàn tham dự hội nghị nhất trí rằng tài nguyên nước là một phần của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, đồng thời là một trong số 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong bối cảnh thế giới đang chật vật ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, khan hiếm nước và ô nhiễm hiện nay. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dẫn đầu tham dự các phiên họp toàn thể và phiên đối thoại về hợp tác nước. Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, ý kiến tham luận thiết thực, đóng góp vào thành công của hội nghị.

Việc hội nghị Nước Liên hợp quốc 2023 thông qua Chương trình nghị sự về nước là một kết quả mang tính bước ngoặt, bao gồm gần 700 cam kết của các nước thành viên trong việc bảo vệ “nguồn tài nguyên chung toàn cầu quý báu nhất của nhân loại”. Chương trình nghị sự này đề ra một loạt cam kết hành động có ý nghĩa quan trọng, từ việc lựa chọn thực phẩm thông minh hơn cho tới việc đánh giá lại tài nguyên nước như một động lực kinh tế và là một phần di sản văn hóa của hành tinh.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh kết quả hội nghị với việc đưa ra được tầm nhìn chung đầy tham vọng. Phát biểu tại phiên bế mạc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ đóng góp của các nước sẽ đưa nhân loại hướng tới một tương lai bền vững, công bằng và toàn diện về an ninh nước cho mọi người dân. Tổng thư ký Liên hợp quốc đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hành động để điều chỉnh và bảo vệ nguồn tài nguyên nước nhằm ngăn chặn xung đột và đảm bảo sự thịnh vượng của thế giới trong tương lai. Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, nước xứng đáng được đặt vào vị trí trung tâm trong chương trình nghị sự chính trị toàn cầu và mọi hy vọng của nhân loại về tương lai phụ thuộc vào việc thế giới có thể đưa chương trình nghị sự nước vào cuộc sống theo hướng khoa học hay không.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu