Thượng đỉnh EU tìm cách tháo gỡ những thách thức nội khối

Hồng Vân tổng hợp
Chia sẻ
(VOV5) - Hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga là một trong hai vấn đề được EU lựa chọn để bàn thảo trong ngày làm việc đầu tiên.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai trong năm nay của Liên minh châu Âu (EU) kết thúc hôm nay (24/3), sau 2 ngày họp tại Brussel (23 – 24/3, Bỉ). Những vấn đề nổi cộm nhất, được quan tâm nhất trong liên minh ở thời điểm này đều được đưa ra thảo luận. Đó là việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, biện pháp gia tăng năng lực cạnh tranh trong dài hạn của EU, bảo đảm an ninh năng lượng và vấn đề người di cư.

Hội nghị thượng đỉnh EU là dịp để 27 nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu tìm tiếng nói chung xung quanh hàng loạt thách thức mà khối đang đối mặt. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres tham dự sự kiện với vai trò khách mời. Sự tham dự của Tổng Thư ký Guterres mang lại những trao đổi hiệu quả về các vấn đề địa chính trị quan trọng và những thách thức toàn cầu.

Thượng đỉnh EU tìm cách tháo gỡ những thách thức nội khối - ảnh 1Lãnh đạo các nước thành viên EU nhóm họp thượng đỉnh trong hai ngày 23 và 24/3. Ảnh: Reuters.

Tái khẳng định cam kết hỗ trợ Kiev

Hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga là một trong hai vấn đề được EU lựa chọn để bàn thảo trong ngày làm việc đầu tiên tại Hội nghị, cho thấy Ukraine là mối quan tâm hàng đầu và sát sườn của EU. Không gặp khó khăn, thỏa thuận cung cấp cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo trong 12 tháng tới đã nhanh chóng được các nhà lãnh đạo EU thông qua. Trước đó, thỏa thuận trên đã được nhất trí tại cuộc họp Hội đồng đối ngoại EU ngày 20/3 vừa qua. Theo thỏa thuận, Ủy ban châu Âu sẽ cấp 1 tỷ euro cho các nước EU nhằm trang bị cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo lấy từ kho của các nước này. Ngoài ra, 1 tỷ euro nữa sẽ được chi cho việc mua chung đạn dược. Việc đặt hàng sẽ được triển khai từ tháng 5 tới.

Sáng kiến mua chung vũ khí được cho là giúp EU đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc, khi đảm bảo hỗ trợ đạn pháo cho Ukraine và bổ sung thêm vũ khí cho kho dự trữ của EU. Theo giới phân tích, việc cung cấp đạn dược cho Ukraine ở quy mô này là một động thái mới của EU để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột quân sự với Nga.

Ngoài ra, tại hội nghị, các lãnh đạo EU đều đồng lòng khẳng định sẽ không giảm nhẹ bất cứ lệnh trừng phạt nào với Nga. Hội nghị cũng thảo luận các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó đặc biệt xem xét hoạt động thương mại với Moscow thông qua một số nước thứ ba. Hội đồng Châu Âu kêu gọi một sự ngăn chặn ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện đối với hành động của Nga tại Ukraine.

Thượng đỉnh EU tìm cách tháo gỡ những thách thức nội khối - ảnh 2Chủ tịch Hội đông châu Âu Charles Michel. Ảnh: AFP/Getty

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine, EU và các quốc gia thành viên đã cung cấp khoảng 67 tỷ euro cho Ukraine và người dân nước này. Họ cũng áp dụng một loạt các biện pháp hạn chế chưa từng có đối với Nga.

Giải quyết những thách thức không mới của EU

Theo giới phân tích, khác với vấn đề hỗ trợ Ukraine, việc gia tăng năng lực cạnh tranh trong dài hạn của Liên minh châu Âu (EU), an ninh năng lượng  hay vấn đề người di cư đều là những thách thức cho EU cả trong ngắn và dài hạn.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng hiện là thời điểm phù hợp để các nước nhận biết và khắc phục điểm yếu trong năng lực cạnh tranh. Tại hội nghị, các lãnh đạo thảo luận việc thúc đẩy thị trường chung mở rộng và đi vào chiều sâu, tăng cường hội nhập dịch vụ; hướng đến Liên minh thị trường vốn gắn kết sâu hơn, phát triển các cơ chế quản lý dịch vụ thuế và tài chính toàn khối để hỗ trợ các doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai năng lượng tái tạo, số hóa hệ thống năng lượng và các cơ sở lưu trữ năng lượng; ưu tiên hỗ trợ các công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử, web 4.0, thực tế ảo, an ninh mạng…

Trong lĩnh vực năng lượng, ưu tiên đặt ra vẫn là đảm bảo an ninh nguồn cung có mức giá phù hợp. Lãnh đạo các nước EU nhất trí nên thông qua các cải cách thị trường điện của khối vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, các lãnh đạo cũng thảo luận cách hỗ trợ các kế hoạch của EU nhằm nhanh chóng nhân rộng các công nghệ và năng lượng thân thiện với môi trường để đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh số lượng người nhập cư bất hợp pháp năm ngoái tăng 64% so với năm trước đó và những áp lực ngày càng gia tăng ở đường biên giới bên ngoài của khối, tại hội nghị lần này, các lãnh đạo EU đánh giá những sáng kiến của EC về quản lý đường biên giới hỗn hợp và các biện pháp phối hợp trong tiếp nhận hay đưa người di cư hồi hương. EU dự kiến hợp tác nhiều hơn và tốt hơn với các nước thứ ba, nước xuất phát và nước trung chuyển.

Về vấn đề an ninh lương thực, việc Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres tham dự hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vài ngày sau khi gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc an toàn của Ukraine qua Biển Đen, được coi là rất quan trọng để thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí chung với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, hôm 23/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo EU giúp thế giới “trở lại đúng hướng” hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng hoan nghênh Thỏa thuận xanh châu Âu và khuyến khích EU tăng cường hợp tác tài chính và công nghệ với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển để thu hẹp khoảng cách phát thải, mang lại công bằng khí hậu.

Ngoài vấn đề Ukraine thì những ưu tiên thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh lần này cho thấy EU vẫn đang tìm hướng giải quyết cho những thách thức không mới. Các quốc gia thành viên vẫn đang trên con đường củng cố sự đoàn kết nội khối, tăng sức chịu đựng trước những cuộc khủng hoảng nhằm đạt được sự thịnh vượng chung.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu