Sau thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, Việt Nam giờ đây trở thành một nơi an toàn với hoạt động sản xuất kinh doanh. Với nhiều lợi thế thời kỳ hậu Covid -19, Việt Nam được cho là điểm đến hứa hẹn trong bối cảnh các nhà đầu tư quốc tế đang tìm cách đa dạng chuỗi cung ứng của họ.
Truyền thông quốc tế dành nhiều lời khen ngợi cho phản ứng chống dịch Covid-19 nhanh và thành công của Việt Nam. Báo chí dẫn lời các chuyên gia kinh tế đánh giá với số ca mắc Covid-19 tương đối nhỏ và không có ca tử vong, Việt Nam đang có lợi thế để khôi phục nền kinh tế sớm hơn các quốc gia khác.
Việt Nam- điểm đầu tư an toàn sau đại dịch/ Ảnh minh họa/Tạp chí Tài chính |
Điểm sáng ấn tượng trong con mắt giới đầu tư
Các cố vấn hỗ trợ cho những công ty nước ngoài tái di dời chuỗi cung ứng cho rằng thành công của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch đã giúp thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam. Ông Fred Burke, đối tác quản lý tại công ty luật quốc tế Baker McKenzie, nhận định phản ứng của Việt Nam đối với đại dịch đã giúp trấn an các doanh nghiệp nước ngoài và họ cảm thấy an toàn hơn khi ở Việt Nam.
ịnh rõ hơn là so với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam nổi lên thành điểm sáng ấn tượng hơn cả trong con mắt của các nhà đầu tư. Đại diện Công ty phát triển liên doanh Kizuna, đơn vị xây dựng các nhà máy đang chuẩn bị đi vào hoạt động tại Việt Nam, dự đoán đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam sau đại dịch. Về phần mình, Kizuna đang đẩy nhanh kế hoạch hoàn thiện một nhà máy rộng 100.000 m2 ở khu vực phía Nam Việt Nam vào tháng 7/2020, để đáp ứng nhu cầu gia tăng trong thời gian tới.
Điều đáng nói là các xu hướng chuyển đổi hoạt động đã sẵn sàng. Trước đại dịch, nhiều doanh nghiệp có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc đã để mắt đến Việt Nam. Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các nước Asean, trong đó có Việt Nam cũng mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam.
Ông Nguyễn Ánh Văn, cán bộ quản lý Khu công nghiệp Vân Trung 2, tỉnh Bắc Giang cho biết, những ngày cao điểm, có tới 10 doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu và đặt vấn đề đầu tư tại khu công nghiệp này: "Cái đầu tiên các nhà đầu tư nước ngoài họ đến là họ quan tâm đến chính sách đầu tư của tỉnh có thông thoáng và thuận lợi hay không.Thứ hai là vị trí địa lý và hạ tầng khu công nghiệp có đáp ứng được nhu cầu của họ hay không.Thứ ba là nhu cầu về nguồn cung ứng lao động có dồi dào và có chất lượng hay không."
Tận dụng cơ hội, tiếp tục tỏa sáng
Kết quả của việc phòng chống dịch Covid-19 tiếp tục khẳng định lợi thế đảm bảo sự ổn định, an toàn, môi trường đầu tư thuận lợi tại Việt Nam. Tờ Nikkei Asian Review nhận định việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư là xu hướng không thể đảo ngược sau dịch Covid-19 và các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là những điểm đến yêu thích. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới 2020 công bố cuối tháng 4, IMF nhận định, Việt Nam “là quốc gia có triển vọng tăng trưởng tốt nhất trong ASEAN”. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, Việt Nam đã chống chịu tốt hơn ở phương diện kinh tế đối ngoại và kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại.
Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ (AmCham) Adam Sitkoff khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn ở khu vực châu Á. Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện JETRO tại thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, dòng vốn FDI (bao gồm cả doanh nghiệp Nhật Bản) sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam. Tờ báo chuyên về kinh tế ChosunBiz, của Tập đoàn truyền thông nổi tiếng Chosun (Hàn Quốc), cho rằng quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong quá trình chống dịch đã sớm nhận được sự tin tưởng mạnh mẽ từ các nhà đầu tư toàn cầu. Báo dẫn chứng công ty điện tử Samsung đã phải đồng loạt dừng hoạt động ở nhiều nhà máy của công ty trên toàn thế giới nhưng vẫn có thể duy trì sản xuất ở Việt Nam.
Tờ báo này còn tiết lộ khoảng 3-4 triệu chiếc tai nghe không dây (AirPods) sẽ được sản xuất tại Việt Nam trong quý II/2020. Hãng tin Bloomberg cũng nhận thấy khả năng “bật dậy” của kinh tế Việt Nam khi quốc gia Đông Nam Á này là một điểm đến ưa thích đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là đã có hơn 12 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư được thu hút riêng trong 4 tháng đầu năm 2020.
Chính phủ Việt Nam hiện đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 5% và Việt Nam. Tổ chức Fitch Ratings (Fitch) thì dự báo đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quay trở lại vào năm 2021, với GDP dự kiến là 7,3%.