Nỗ lực vượt qua thách thức nhìn từ phía doanh nghiệp

Hằng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ bản lĩnh doanh nhân đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển.

Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam linh hoạt ứng phó, có kế hoạch và chiến lược kinh doanh phù hợp vượt qua khó khăn.

Nỗ lực vượt qua thách thức nhìn từ phía doanh nghiệp - ảnh 1

Thủ tướng đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp cả nước

Trong kết luận buổi họp trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp ngày 09/05, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 3 yêu cầu đối với doanh nghiệp. Trong đó, yêu cầu đầu tiên là các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển. Thủ tướng cũng cho rằng hiện nay doanh nghiệp cần phải giữ 3 thứ. Đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển.

Ngược dòng vào tâm bão

Khủng hoảng y tế những tháng qua đã tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế, từ phía cung đến phía cầu, từ sản xuất đến tiêu dùng, từ công nghiệp đến dịch vụ… Một loạt doanh nghiệp Việt Nam đã đứng giữa lựa chọn co hẹp lại, thu nhỏ quy mô, chờ đợi, cho nhân viên luân phiên nghỉ việc, cắt giảm các loại phí… hay phải tìm cách để người lao động có việc làm, và có thu nhập lúc khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng: "Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp có sự năng động sáng tạo trong việc thay đổi, chuyển đổi nguồn cung thị trường, chu trình sản xuất, cách thức sản xuất, có những trường hợp nào có thể làm việc được từ xa, sử dụng công nghệ… doanh nghiệp phải đầu tư để thay đổi, doanh nghiệp thay đổi trong việc tiếp cận thị trường  để đáp ứng".

Theo bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam, tất cả đầu ra sản phẩm của Công ty đều bị giảm, việc bán lẻ mặt hàng nông sản sạch tại các hệ thống cửa hàng đều gặp khó. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, bên cạnh việc tìm kiếm nguồn đầu ra trong nước, sắp tới doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới phù hợp với các mặt hàng nông sản sạch, hữu cơ.

"Chúng tôi chuyển hướng sang chế biến không làm hàng thô như trước nữa. Cùng với đó đối với thực phẩm tươi hàng ngày chúng tôi đóng theo từng combo đến từng cơ quan, tòa nhà chung cư để chào hàng tiêu thụ sản phẩm. Hiện chúng tôi đang tìm kiếm các thị trường mới, chúng tôi thấy thị trường Ấn Độ rất tiềm năng và cuối tháng này sẽ sang bên đó để tham dự hội chợ" - bà Trần Thị Thu Hằng cho biết.

Là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID – 19, hiện tại, ngành du lịch Việt Nam đã tung ra các gói khuyến mãi để khởi động lại thị trường nội địa, đưa ra các sản phẩm du lịch mới... Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, cho biết: "Tận dụng ngay cơ hội và triển khai ngay thông điệp Việt Nam điểm đến an toàn để xúc tiến, quảng bá, lôi kéo khách du lịch. Chúng tôi cũng đề xuất tạo ra tam giác động lực phát triển du lịch, ví dụ như miền Bắc là Hà nội - Ninh Bình - Quảng Ninh ; miền Trung là Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Nha Trang – Đăk Lăk – Phú Yên; miền Nam là Thành phố HCM – Bà Rịa Vũng Tàu – Đồng bằng sông Cửu Long…. Bên cạnh đó, chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương giảm 50% phí vào các điểm tham quan,  đề nghị chọn lọc mở lại các đường bay trong nước, bỏ hạn ngạch bay nội địa".

Sự hỗ trợ từ cơ quan hành chính  

Ngoài sự chủ động, đầu tư chất xám, công sức của doanh nghiệp thì sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành liên quan thực sự rất quan trọng và cần thiết vào thời điểm này. Hiện Chính phủ đã có nhiều cam kết. Thủ tướng đảm bảo Chính phủ sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp về cơ chế, chính sách…

Tại hội nghị chính phủ với doanh nghiệp, ngày 09/05, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo rằng: "Các bộ, cơ quan, đặc biệt là các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, trong đó cải thiện tình hình kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục”. Quan tâm xử lý kiến nghị của doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được đổ qua, đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp đều mong muốn cần phải giữ ổn định vĩ mô, nhất là giữ lạm phát, giữ giá trị đồng Việt Nam".

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc lại tuyên bố của Cha đẻ thuyết tiến hóa Charles Robert  Darwin rằng: Không phải loài mạnh nhất hay thông minh nhất mà loài có khả năng thích nghi tốt nhất sẽ sống sót”.  Trong bối cảnh hiện nay, sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sớm vượt qua khó khăn hiện tại để sẵn sàng phục hồi và đón được sóng chuyển dịch đầu tư quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu