Việt Nam luôn coi trọng việc thúc đẩy, bảo vệ các quyền và lợi ích của người khuyết tật trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử, đồng thời luôn lồng ghép vấn đề này trong khuôn khổ phát triển đất nước. Điều này không chỉ được Tham tán Công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Lê Thị Minh Thoa khẳng định tại Hội nghị lần thứ 15 các nước thành viên Công ước Quyền của người khuyết tật (CRPD) tổ chức từ 14-16/6/2022 tại New York, Mỹ mà còn được Việt Nam thực thi trong thực tế.
Hội nghị lần thứ 15 các nước thành viên Công ước Quyền của người khuyết tật. Ảnh: VOV
|
Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số cả nước, trong đó 48% là nữ giới và 28,3% là trẻ em. 87% số người khuyết tật sống ở nông thôn, gặp nhiều khó khăn, cần đến sự trợ giúp, hỗ trợ của nhà nước và xã hội. Bên cạnh việc ghi nhận và bảo vệ quyền, nghĩa vụ như mọi công dân khác, Nhà nước Việt Nam luôn có những ưu tiên dành riêng cho người khuyết tật. Với chủ trương “tăng trưởng kinh tế gắn liền với việc giải quyết các vấn đề xã hội trên nguyên tắc công bằng và bảo đảm tiến bộ xã hội”, Chính phủ đã có các chính sách, pháp luật cụ thể và thiết thực đối với người khuyết tật, trong đó khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật thực hiện bình đẳng về các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phát huy khả năng của họ để ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội.
Hiện người khuyết tật Việt Nam được Nhà nước và xã hội trợ giúp chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, tạo việc làm phù hợp và được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật. Hiến pháp năm 2013 (Điều 59 và 61) mở rộng đối tượng được Nhà nước trợ giúp, không phân biệt người khuyết tật có hay không có nơi nương tựa; không phân biệt người khuyết tật là trẻ em hay không. Hệ thống pháp luật về người khuyết tật ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện theo hướng bảo đảm sự tương đồng với Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật. Hệ thống đó bao gồm: Luật Người khuyết tật 2010, Luật Trợ giúp pháp lý 2006 và một số Luật khác như Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Công nghệ thông tin.Với việc ban hành Luật Người khuyết tật năm 2010, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về người khuyết tật, thông qua việc xây dựng 13 văn bản dưới Luật là các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Người khuyết tật, có liên quan tới truyền thông, thể thao, du lịch, tiếp cận an sinh xã hội.
Thực hiện Đề án “Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020” của Chính phủ, 100% người khuyết tật Việt Nam được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu trong giai đoạn 2016 - 2020. Việt Nam đã xây dựng hệ thống các cơ quan và tổ chức có phạm vi hoạt động ở tất cả các cấp trong toàn quốc nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của người khuyết tật, bao gồm: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam, Ban Điều phối hỗ trợ các hoạt động của người khuyết tật (NCCD) và Hiệp hội Sản xuất kinh doanh của người khuyết tật. Việt Nam cũng đã thành lập Ủy ban quốc gia về người khuyết tật.Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương xây dựng và triển khai kế hoạch dài hạn về người khuyết tật theo sáng kiến của Uỷ ban Kinh tế-Xã hội khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hợp quốc (UNESCAP). Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền của Người khuyết tật tháng 11/2014.
Trên thực tế, Nhà nước Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện để đáp ứng ngày càng tốt hơn các quyền của người khuyết tật. Nhiều người khuyết tật nặng, thương binh, bệnh binh, người bị di chứng chất độc da cam, trong đó có trẻ em, được Nhà nước trợ cấp và nuôi dưỡng. Mạng lưới chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng cho người khuyết tật đã được thiết lập từ trung ương đến cơ sở. Hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, được cung cấp phương tiện trợ giúp như xe lăn, xe đẩy; hàng năm có khoảng 800.000 nghìn người khuyết tật được trợ cấp và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế. Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật được triển khai ở 51/63 tỉnh, thành phố.
Đào tạo nghề cho người khuyết tật tại Trường Trung cấp Nghề thanh, thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn (Thanh Hóa). Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Nhà nước cũng đã xây dựng mô hình giáo dục hòa nhập, chuyển đổi và thẩm định sách giáo khoa chữ phẳng sang chữ nổi Braille, xây dựng hệ thống ngôn ngữ kí hiệu, thống nhất hệ thống chữ cho người mù. Hàng năm số trẻ khuyết tật đi học ở bậc trung học và bậc đại học đều tăng. Hiện có khoảng 1.130 cơ sở dạy nghề có tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật, trong đó có 225 cơ sở dạy nghề chuyên biệt cho người khuyết tật và 400 doanh nghiệp do người khuyết tật làm chủ. Thời gian qua, khoảng 120.000 người khuyết tật được hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm và giới thiệu việc làm. Các công trình xây dựng công cộng, giao thông, văn hoá, thể dục thể thao đã được xây dựng, cải tạo để phù hợp hơn với chuẩn của người khuyết tật.
Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam chủ trương từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật, đồng thời xây dựng và phát triển các mô hình trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên cơ sở nghiên cứu mô hình trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật của các nước trên thế giới cũng như đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực này. Trên bình diện quốc tế và khu vực, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực về người khuyết tật, đặc biệt là Chiến lược Incheon về Thập kỷ Châu Á-Thái Bình Dương vì Người khuyết tật giai đoạn 2013-2022 và Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo ASEAN về Tăng cường sự tham gia của người khuyết tật.