Thời gian qua, Hội người Việt Nam tại Pháp đã vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ nhiều chương trình cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật trên địa bàn Hà Tĩnh. Ông Nguyễn Thanh Tòng, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, thành viên Hội đồng cố vấn Hội người Việt Nam tại Pháp, Ủy viên Ban chấp hành Hội Y khoa Việt Nam tại Pháp, là người trực tiếp thực hiện việc tìm nguồn tài trợ và kết nối với trong nước để triển khai các chương trình từ thiện. Hội đã phối hợp với Trung tâm Công tác Xã hội - Quỹ bảo trợ trẻ em, tư vấn giáo dục nghề nghiệp, phục hồi chức năng cho người khuyết tật Hà Tĩnh trực tiếp khảo sát, lựa chọn đúng đối tượng cần hỗ trợ, triển khai thực hiện dự án rất hiệu quả với tổng giá trị của các chương trình là 650.000.000 đồng. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Tòng về một số chương trình hỗ trợ tại Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Thanh Tòng, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp. |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây
Phóng viên:Thưa ông, thời gian qua, trong vai trò là thành viên của Hội Y khoa Việt Nam tại Pháp, ông đã thực hiện nhiều chương trình hướng về những người dân gặp khó khăn tại Hà Tĩnh. Đó là những chương trình gì vậy, ông có thể chia sẻ?
Ông Nguyễn Thanh Tòng: Chúng tôi đưa ra gồm hai chương trình. Đó là chương trình vi tín dụng nuôi bò, nuôi heo hỗ trợ cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn và chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi sử dụng công trình hầm biogas để giải quyết vấn đề môi trường.
Một dịp may, tổ chức Zebunet, một tổ chức quốc tế về vi tín dụng, thực hiện việc cho vay không lấy lãi trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, có đề nghị với tôi thực hiện dự án vi tín dụng ở Hà Tĩnh vào năm 2020 và tổ chức Rotary thực hiện dự án biogas để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường vào năm 2021.
Chương trình hỗ trợ cho những người khuyết tật, những người có công với xã hội gặp hoàn cảnh khó khăn và những nạn nhân chiến tranh. Năm nay là kết thúc dự án và kết quả rất khả quan ở cả hai chương trình.
Ông Nguyễn Thanh Tòng đến thăm một hộ gia đình khuyết tật đã vươn lên thoát nghèo nhờ được hỗ trợ từ dự án. |
Phóng viên: Trong chuyến trở về Hà Tĩnh lần này, ông cũng đã có một chuyến điền dã để kiểm tra hoạt động của các dự án. Ông có những đánh giá gì về chương trình này sau khi đến thăm từng nhà dân được hưởng lợi?
Ông Nguyễn Thanh Tòng: Các chương trình này có kết quả rất khả quan. Kết quả ở đây là đã giải quyết được các vấn đề hỗ trợ người khuyết tật có công ăn việc làm và giải quyết về môi trường vừa không phải chỉ cho cá nhân của hộ gia đình mà cho cả xã. Rất mừng là người dân trong vùng mong muốn được mở rộng hoạt động và phát triển nông nghiệp. Kết quả bước đầu tôi thấy rằng dân chúng rất hưởng ứng chương trình này. Nếu tiếp tục như vậy, chúng tôi sẽ phát triển, mở rộng, hỗ trợ với mục tiêu để người dân có điều kiện vươn lên trong xã hội, nhất là đối với những người khuyết tật. Khi trong một gia đình có hầm biogas, có hệ thống đảm bảo vệ sinh môi trường, điều đó có nghĩa, gia đình đó được quyền phát triển nuôi thêm heo, bò để phát triển kinh tế. Nếu được như vậy thì vấn đề phát triển nông thôn sẽ rất mạnh mẽ. Một xã có nhiều hộ dân có ý chí như vậy, xã đó sẽ giàu mạnh hơn.
Từ khi có hầm biogas, chị Lê Thị Hoa, con gái bà Lê Thị Vinh, người khuyết tật ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, cho biết gia đình chị tiết kiệm được chi phí đun nấu và sinh hoạt. |
Phóng viên: Từ thời điểm ban đầu bắt đầu viết dự án, đến lúc triển khai và bây giờ nhận được kết quả đáng khích lệ như thế này, ông có thấy chương trình của mình đã đi theo đúng lộ trình đặt ra hay không?
Ông Nguyễn Thanh Tòng: Ban đầu khi tôi bắt đầu viết ra dự án, lúc đầu không biết là mình có thực hiện tốt được không. Nhưng về sau, nhận thấy rằng họ đã thực hiện chương trình như mình mong muốn. Đến khi về để khảo sát dự án, mình mới nhìn thấy sự thật về hiệu quả của nó. Đó là tiết kiệm được rất nhiều, tận dụng được rất nhiều. Tận dụng gần như 100%. Thứ nhất là về vấn đề khí đốt. Một bình gas có giá 400.000 đồng, người dân sử dụng trong vòng từ 1 đến 3 tháng tùy theo từng gia đình. Thứ hai, họ lấy được chất thải của biogas để tưới cây, hoa màu rất xanh tốt. Điều đó cho thấy chương trình đã thành công cho cả gia đình và cộng đồng.
Khảo sát tại một hộ nuôi bò ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh |
Phóng viên: Trong chuyến đi khảo sát địa hình và hoàn cảnh một số gia đình khác ở Hà Tĩnh, nhận thấy sự mong đợi của người dân về việc muốn được xây dựng mô hình biogas. Đây có phải động lực để khi về Pháp, ông sẽ tiếp tục triển khai những dự án tương tự như vậy trong những thời gian tới?
Ông Nguyễn Thanh Tòng: Lẽ tất nhiên rồi. Việc gì mình làm được, có kết quả mình thấy ấm lòng. Khi mà mình làm được điều gì thành công, mình nghĩ đến tương lai. Khi gặp một bà lão và cùng trao đổi về biogas, sau khi từ giã, bà nắm tay, nói: “Ráng giúp cháu nhé”. Điều đó mình rất xúc động. Lẽ tất nhiên những gì mình làm được có ích cho xã hội, mình sẽ phải tiếp tục làm.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông về những công việc hữu ích dành cho người dân gặp khó khăn ở Hà Tĩnh.