Kiều bào Pháp và tình yêu với biển đảo quê hương

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Cuốn sách “Biển đảo quê hương” nhằm giúp những người chưa có cơ hội được đến Trường Sa hiểu rõ hơn về đời sống của các chiến sĩ rạm nắng, ngày đêm bảo vệ quê hương.

Ông Nguyễn Thanh Tòng, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, vừa thực hiện cuốn sách ảnh “Biển đảo quê hương” dày gần 200 trang. Cuốn sách là những hồi ức không quên về chuyến đi thăm, động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2016.

Kiều bào Pháp và tình yêu với biển đảo quê hương - ảnh 1Ông Nguyễn Thanh Tòng chụp ảnh kỷ niệm trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

 
Phóng viên: Thưa ông, ông vừa hoàn thành cuốn sách ảnh "Biển đảo quê hương". Điều ông muốn gửi gắm thông qua cuốn sách ảnh này là gì?

Ông Nguyễn Thanh Tòng: Nước Việt Nam ta không chỉ có sông núi, bờ biển đẹp xanh tươi, ngoài ra, giữa trùng dương có những đảo thuộc về lãnh thổ Việt Nam. Đó là quần đảo Trường Sa. Cuốn sách “Biển đảo quê hương” nhằm giúp những người chưa có cơ hội được đến Trường Sa hiểu rõ hơn về đời sống của các chiến sĩ rạm nắng, ngày đêm bảo vệ quê hương, người dân, các con em cắp sách đến trường ở trên đảo cùng với những ngôi chùa là cột mốc nối liền tâm linh về chủ quyền của biển đảo.

Kiều bào Pháp và tình yêu với biển đảo quê hương - ảnh 2

Phóng viên: Ông có thể giới thiệu đôi nét cho thính giả Đài TNVN được biết về nội dung của cuốn sách ảnh này, cuốn sách mà ông đã lao động sáng tạo trong 4 năm qua?

Ông Nguyễn Thanh Tòng: Nội dung cuốn sách của biển đảo quê hương này, tôi chia ra làm hai phần. Phần đầu là hướng dẫn các anh, các chị, các thế hệ trẻ đi thăm những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trong hai ngày lênh đênh trên biển đảo, giữa biển bao la giữa bầu trời xanh, trong sáng, có một cụm đá nhô lên, đó là đảo Đá Lớn. Khi chúng tôi đến, những anh lính vui vẻ đón chúng tôi. Tôi thấy có những chậu rau xanh, bông hoa giấy đỏ để chào đón chúng tôi.

Chúng tôi tiếp tục hành trình đi thăm vài đảo đá nổi như: Sơn Ca, Nam Yết. Đặc biệt Nam Yết có tượng Trần Hưng Đạo đưa tay hướng ra biển như chứng tỏ rằng chúng ta phải giữ gìn biển đảo. Đó là biển đảo quê hương.

Đảo Sinh Tồn có những gia đình với các em nhỏ hàng ngày cắp sách đến trường. Tiếp đến là đảo Trường Sa Đông rồi đến đảo Trường Sa, thủ đô của quần đảo, có nhiều cây cổ thụ che nắng cho du khách.

Chúng tôi từ giã Trường Sa cùng tiếp tục lên đường với một hành trình điểm cuối là nhà giàn DK1. Ngôi nhà có 4 chân cắm, sâu trong lòng biển trên thềm lục địa phía Nam của đất nước.

Về phần thứ hai của cuốn sách, tôi thu thập tư liệu lịch sử về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là chủ quyền của Việt Nam. Tôi đưa ra những hình ảnh dễ hiểu để hiểu rằng Hoàng Sa và Trường Sa là chủ quyền của Việt Nam. Phần cuối cùng là dư luận quốc tế về Biển Đông.

Kiều bào Pháp và tình yêu với biển đảo quê hương - ảnh 3

Phóng viên: Và những kỷ niệm đọng lại trong ông trong hành trình đến thăm các cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 là gì?

Ông Nguyễn Thanh Tòng: Cuộc hành trình trong 10 ngày có nhiều kỷ niệm. Lần đầu tiên trong chuyến đi này có những chuyện rất cảm động. Khi đến đảo Đá Lớn, nhìn từ xa, các anh chiến sĩ trang nghiêm gác cột mốc của đảo. Nắng và gió biển đã nhuộm đen làn da của anh chiến sĩ. 

Kiều bào Pháp và tình yêu với biển đảo quê hương - ảnh 4

Đi đâu cũng có nụ cười niềm nở và khi cùng nói chuyện với nhau, nhiều anh đã tâm sự rằng: Thú thật với các bác, nhiều đêm nhìn ra biển, nhớ cha mẹ, nhớ vợ, nhớ con buồn lắm chứ, thương vợ phải bươn chải cho cuộc sống hàng ngày. Thỉnh thoảng, con cái điện thoại trong đêm để hỏi bài vở ở trường làm cho các anh tăng thêm sự hăng hái để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ đất nước quê hương.

Hành trình cuối cùng là đi thăm nhà giàn DK1. Trên nhà giàn, chúng tôi rất ngạc nhiên nhìn thấy ở đây vẫn trồng được rau xanh trên ngôi nhà giàn cắm chân giữa biển, không đất, không nguồn nước ngọt. Các anh chiến sĩ đã phải rất nỗ lực tiết kiệm từng giọt nước để chăm sóc vườn rau xanh trên sân thượng và lại còn nuôi heo, gà, vịt. Thật cảm phục.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu