Kí ức đó càng thổn thức hơn với người con xa xứ khi một mùa xuân mới đang e ấp trên những cành đào phai xứ Bắc, đóa mai vàng miền Nam. Quê hương thay da đổi thịt từng ngày, trong ánh mắt, nụ cười nồng hậu chào đón chúng tôi trở lại.
Đoàn diễu hành của khối NVNONN tiến vào Quảng trường Ba Đình lịch sử, Lễ diễu binh, diễu hành kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tháng 10/2010
Ra đi để trở về
Gần 30 năm sống nơi đất khách quê người, Việt Nam trong tôi là những kỉ niệm về một quê hương tươi đẹp, thanh bình. Nó đã che chở, đồng hành và luôn là “điểm tựa” tinh thần đưa người con xa quê vượt qua bao sóng gió, thăng trầm cuộc đời. Cũng bởi vậy mỗi lần được trở lại thăm quê là một lần tôi được quay lại thước phim đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình. Hồi hộp, mong ngóng, nâng niu, trân trọng…
Trước đây mỗi dịp được trở lại quê hương, tôi thường tìm lại tuổi thơ của mình để sống lại kí ức, thăm bà con họ hàng, tranh thủ sống ngày tháng thanh bình yên ở nơi làng quê. Tôi không hứng thú lắm với tiệc tùng, chè chén, càng nói không với hội nghị, diễn đàn… một phần do tính cách và một phần còn mặc cảm với các rào cản đối với kiều bào. Ngày đầu “xách va li” về nước tham gia các sự kiện, chuyến đi do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban) đứng ra tổ chức, thực sự tôi chưa thấy hứng thú lắm. Thậm chí, trong đầu còn nặng trịch suy nghĩ “chắc đây là những sự kiện mang tính mị dân, quảng bá mang nặng tính hình thức”. Song “cái duyên” với nghề báo, với những người bạn ở Ủy ban, rồi các chuyến đi dài ngày về đất Tổ, ra đảo Trường Sa, thăm bà con vùng cao, tham dự ngày hội “Xuân Quê Hương” khiến nhãn quan, nhận thức tôi không còn ấu trĩ, hẹp hòi.
Năm 2010, tôi cùng hàng nghìn kiều bào trên khắp thế giới tham gia đoàn diễu hành trên Quảng trường Ba Đình lịch sử mừng Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đó thực sự là một kỉ niệm rất hào hùng. Nơi mà từ trước đến nay tôi chỉ đến thăm quan, viếng Bác rồi chụp vài tấm hình. Nhưng bước dưới tiếng nhạc quốc ca hào hùng, thấy được các binh chủng, khí tài quân sự hiện đại, hoà chung nhịp bước với hàng triệu người dân trong nước, cùng chung nhịp đập con tim với các tầng lớp nhân dân, với nông dân, công nhân, trí thức, các dân tộc, các tổ chức tôn giáo… Đây là lần đầu tiên kiều bào được tham gia, được coi như một đoàn thể trong lòng dân tộc, mới cảm nhận được rõ nét tinh thần đoàn kết một lòng, sự thay da đổi thịt thực sự của quê hương mình. Đó là một chính sách cởi mở, trân trọng hơn với bà con kiều bào khi đã mời chúng tôi tham dự một sự kiện thiêng liêng ngàn năm có một như vậy. Tôi còn nhớ mãi lời hoạ sĩ Đoàn Thanh cùng anh chồng “Tây” từ Đức về nghẹn ngào tâm sự: “Chị xúc động quá, không ngờ đoàn kiều bào lại được tham gia diễu hành trong một buổi lễ hoành tráng, trọng đại như thế này. Gần gũi, tự hào lắm em ạ!”. Tôi hiểu cảm xúc đó qua ánh mắt đầy cảm động của chị.
Sau lần đó, tôi háo hức, cởi mở hơn. Cứ có dịp được Ủy ban mời là gật đầu, không khách sáo. Trước là thấy vui vì được Đảng, Nhà nước quan tâm; được Ủy ban chăm sóc chu đáo; được ăn, được nói, lại được “gói thông tin” mang về viết bài. Đặc biệt những dịp tham gia “Xuân Quê Hương” - sự kiện được Ủy ban tổ chức hàng năm, sự kiện mà có lẽ bất cứ kiều bào nào cũng luôn háo hức, mong đợi mỗi khi Tết đến Xuân về. Xuân Quê Hương đúng nghĩa phải nói là ngày hội riêng dành cho kiều bào gặp gỡ, giao lưu, tâm tình. Bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành cùng những món ăn, những làn điệu dân ca… đậm đà bản sắc dân tộc luôn làm ấm lòng những người con xa xứ. Ấm lòng bởi trở về để được hưởng cái tiết trời Xuân se lạnh xen lẫn sắc đào phai. Xuân quê hương rực rỡ, trang trọng nhưng cũng rất ấm áp tình người. Hình ảnh cậu phóng viên Tạp chí Quê Hương tất bật tác nghiệp, có lúc vừa đeo máy ảnh, trước mặt đặt hàng chục chiếc điện thoại do bà con nhờ chụp, nâng lên, đặt xuống kiên nhẫn, cẩn thận, vui vẻ nhiệt tình; hình ảnh các cán bộ trẻ luôn ân cần, niềm nở và luôn “tay xách, nách mang” giúp các cụ già yếu trong đoàn… khiến bà con rất cảm kích.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ Đoàn đại biểu kiều bào về tham dự Lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tháng 10/2010
Những điều mắt thấy tai nghe
Năm 2015, tôi được mời đi Trường Sa trong bối cảnh Biển Đông đang “dậy sóng” bởi tham vọng của một số nước lớn muốn bành trướng và không ít lần xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam. Và chính thời điểm này, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin trái chiều về phương pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Những thông tin “hèn với giặc, ác với dân”, “bán đất, bán biển cho Trung Quốc”… nhan nhản trên mạng khiến không ít kiều bào hoang mang, lo lắng. Chính vì vậy, khi nhận được giấy mời, tôi háo hức đi ngay, phần vì tôi biết, để được một lần đến Trường Sa là ước mơ của hàng triệu người dân nước Việt ở trong và ngoài nước; phần vì tôi muốn đến tận nơi để “mục sở thị” xem những lời tuyên truyền trên mạng xã hội nó đúng, sai thế nào...
Gần 10 ngày lênh đênh trên biển, đi qua các đảo Nam Yết, Len Đao, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn... và qua rất nhiều nhà giàn. Tận mắt nhìn thấy những anh Bộ đội Cụ Hồ tuổi đời còn rất trẻ, da sạm đen, rắn rỏi, kiên cường bám đất, bám đảo. Họ tự tăng gia sản xuất, nuôi lợn, trồng rau, nuôi gà, chăn bò trong điều kiện hết sức khó khăn. Điều ngạc nhiên hơn nữa là sự bình yên và trong lành đến kỳ lạ giữa trập trùng sóng vỗ, mênh mông của biển cả. Tiếng gà gáy trưa, tiếng chuông chùa ngân vang, tiếng các vị sư trụ trì gõ mõ tụng kinh, tiếng các em nhỏ vui đùa, tiếng học sinh hát đồng ca trong các lớp học... Nằm sâu trong những tán cây cổ thụ là ngôi chùa, đài tưởng niệm liệt sĩ, những ngôi nhà chỉ huy và nơi ăn, ở rất sạch sẽ và hiện đại của quân, dân trên đảo… được bảo vệ bởi những người chiến sĩ dũng cảm, kiên cường, mắt luôn dõi lên trời cao và nhìn ra biển xa, ngày đêm canh gác cho sự bình yên của biển đảo quê hương.
Tác giả chụp ảnh lưu niệm trước khi lên tàu thăm quân dân huyện đảo Trường Sa, tháng 4/2015
Ở nơi đầu sóng ngọn gió đó, sự khắc nghiệt của thời tiết, điều kiện sống không khuất phục được ý chí kiên cường của những người lính đảo. Họ trồng rau trên sỏi cát, tiết kiệm từng giọt nước ngọt trong sinh hoạt. Những người dân hiền lành, chất phác; các em nhỏ hồn nhiên, yêu đời; những thầy cô giáo chấp nhận xa gia đình đến giữa biển khơi để “gieo” từng con chữ cho học sinh trong không khí thật xúc động.... Tàu dần xa các đảo thân yêu, hình ảnh tượng đài vị tướng tài ba Trần Quốc Tuấn lừng lững, hiên ngang, mắt hướng về đất liền... như chào tạm biệt những người con xa xứ, như muốn nhắc nhở với chúng tôi rằng: “Biển đảo Việt Nam cha ông để lại sẽ mãi mãi là của người dân nước Việt”.
Là người yêu nghề báo chí, tôi may mắn được Ủy ban mời về dự nhiều sự kiện. Trong đó có hội thảo “Vai trò của báo chí với việc bảo tồn văn hoá và tiếng Việt cho NVNONN”. Hội thảo gồm rất nhiều bài tham luận của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các học giả, các giáo sư, tiến sĩ, những người làm công tác quản lý khiến chúng tôi được “mở rộng tầm mắt”. Và hơn nữa, những bài tham luận của các nhà báo Việt ở nhiều nước để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm khiến chúng tôi học hỏi được rất nhiều. Ngoài ra, trong mỗi đợt hội thảo đó, chúng tôi được còn được tham quan và giao lưu với các cơ quan truyền thông, báo chí trong nước như Đài truyền hình VTV, VTC, Đài tiếng nói Việt Nam, Báo Thanh niên, Báo Tiền Phong, Báo Đất Việt… Là những người đang sống tại Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Úc... nhưng chúng tôi thật sự ngạc nhiên bởi các cơ quan báo chí đó đều có cơ sở vật chất được đầu tư vô cùng hiện đại với đội ngũ lãnh đạo hiểu biết, tài năng cùng đội ngũ nhân viên trẻ trung, chuyên nghiệp, giỏi tiếng Anh và nghiệp vụ. Cũng trong chuyến đi này, chúng tôi được đến các tỉnh Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hải Dương, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương... Đến mỗi tỉnh thành, chúng tôi đều được Lãnh đạo tỉnh, thành phố tiếp đón chu đáo, nồng hậu, chân tình và được giới thiệu để hiểu thêm về tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá...
Giờ đây, sau hàng chục lần về thăm quê hương, tôi đã được đi đến khắp mọi miền đất nước; được tận mắt nhìn thấy sự đổi thay hàng ngày trên quê hương...; được “lướt” trên những con đường cao tốc từ Hà Nội- Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội- Thái Nguyên, Hà Nội -Quảng Ninh, Hà Nội -Ninh Bình... hiện đại, băng qua những cây cầu “lơ lửng giữa trời xanh”; được đắm mình trong những công viên xanh, đẹp, yên tĩnh ngắm nhìn mọi người chăm chỉ tập thể dục; được sống trong những khu đô thị hiện đại với những toà nhà cao chọc trời; được hưởng bầu không khí yên bình với những con người thân thiện, hiếu khách. Ra đi để trở về, để “mở rộng thêm tầm mắt”, để thấy day dứt vì trước đây do thiếu thông tin mà không chỉ riêng tôi, biết bao nhiêu người Việt xa xứ khác, có nhiều suy nghĩ không đúng về quê hương, đất nước.
Đoàn đại biểu kiều bào tại Nga tham dự Hội nghị NVNONN lần thứ nhất, Hà Nội năm 2009
Ngày nay, trong thời đại internet, thông tin được cập nhật trong từng phút, từng giây. Thế nhưng, trong một “rừng” thông tin ấy, để chọn ra được những thông tin đáng tin cậy, người Việt xa quê hương rất cần đến những nhà báo trung thực, giàu tâm huyết với quê hương. Với kiều bào xa quê, không gì hơn được quay trở lại quê hương mình, và còn gì tuyệt vời hơn khi được sống trong bầu không khí, sự kiện lớn của đất nước. Song, không phải ai cũng có điều kiện về nước thường xuyên, chính vì vậy, rất nhiều kiều bào mong muốn có thêm những “chiếc cầu mềm” 4.0 như các diễn đàn, fanpage, facebook… để thường xuyên trao đổi tâm tư nguyện vọng với bà con, để biết thêm nhiều thông tin khách quan về sự đổi mới của Đảng, Nhà nước, để góp ý trực tiếp qua mạng về chính sách, chủ trương với kiều bào…
Tôi nhớ mãi lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú trọng trong chương trình Xuân Quê Hương 2019 đã trích lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh với kiều bào: “Tổ quốc và Chính phủ luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ các người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà”. Ngày trước, tôi chưa cảm nhận được điều đó, nhưng hành trình ra đi để trở về, được gặp trực tiếp và trò chuyện với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân… và đặc biệt là đồng bào mình trong nước, tôi tin vào tình cảm chân thành đó. Và với tôi, giờ đây đó là sự thật, một sự thật luôn được trân trọng bằng những gì quý giá nhất trong trái tim mình.
Ngô Tiến Điệp (Liên bang Nga)/quehuongonline)