Tương lai nào cho người dân Syria?

Ánh Huyền
Chia sẻ
VOV5) – Ngày 15/03 đánh dấu tròn hai năm xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị và bạo loạn tại Syria, cướp đi sinh mạng của gần 70 nghìn người và làm hơn 1 triệu người phải từ bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Trong 2 năm, cộng đồng quốc tế đã tốn không ít công sức để tìm kiếm một giải pháp hòa bình và toàn diện, nhưng cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Trung Đông này, cho đến nay vẫn có kết quả là con số 0. Những diễn biến mới trong những ngày gần đây cho thấy phía trước người dân Syria vẫn là một tương lai mờ mịt.
(VOV5) – Ngày 15/03 đánh dấu tròn hai năm xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị và bạo loạn tại Syria, cướp đi sinh mạng của gần 70 nghìn người và làm hơn 1 triệu người phải từ bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Trong 2 năm, cộng đồng quốc tế đã tốn không ít công sức để tìm kiếm một giải pháp hòa bình và toàn diện, nhưng cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Trung Đông này, cho đến nay vẫn có kết quả là con số 0. Những diễn biến mới trong những ngày gần đây cho thấy phía trước người dân Syria vẫn là một tương lai mờ mịt.

Trong 2 năm qua, đã nhiều lần cộng đồng quốc tế hy vọng về một giải pháp hòa bình tại Syria thông qua kế hoạch hòa bình 6 điểm của Đặc phái chung Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Arab, hay các chuyến ngoại giao con thoi của các chính khách hàng đầu thế giới. Thế nhưng, cho tới giờ, niềm hy vọng vẫn ở phía trước, Syria ngày càng lún sâu và khủng hoảng và cuộc nội chiến Syria đã để lại những hậu quả vô cùng tàn khốc. Đến thời điểm này, ước tính có gần 70 nghìn người thiệt mạng, hơn 1 triệu người bỏ nhà cửa đi lánh nạn, hơn 3 triệu tòa nhà bị san phẳng trong chiến tranh, khoảng 80.000 người Syria hiện ngủ tạm trong các hang động, công viên hay nhà kho. Điều đáng lo ngại nhất là cuộc chiến đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và thể chất của trẻ em. Hơn 2 triệu trẻ em Syria bị ảnh hưởng bởi các chứng suy dinh dưỡng, bệnh truyền nhiễm và chấn động tâm lý vì cuộc chiến. Cứ 3 trẻ em ở Syria thì có một em bị thương vì cuộc chiến, khoảng 2/3 trẻ em ở Syria không được phòng ngừa những căn bệnh đơn giản. Tệ hại hơn, nhiều em nhỏ Syria bị lôi kéo, ép buộc và dụ dỗ cầm súng. Theo một báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc, ở Syria có những em nhỏ cầm súng khi mới 12 tuổi.

Tương lai nào cho người dân Syria? - ảnh 1
Nhiều nguồn tin cho rằng, phe nổi dậy ở Syria hiện đã chiếm được 2/3 lãnh thổ.- Ảnh:danviet.vn


Mặc dù tình hình tại Syria đang ngày càng trở nên tồi tệ, song các cường quốc vẫn bất đồng sâu sắc về cách giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia này. Trong một diễn biến mới nhất, Anh, Pháp đã đưa ra tuyên bố, sẵn sàng vũ trang cho lực lực đối lập Syria thậm chí không cần tới sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU). Theo Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Paris và London sẽ hối thúc châu Âu ấn định thời gian xúc tiến cuộc họp tiếp theo của EU thảo luận về lệnh cấm vận vũ khí đối với quốc gia Trung Đông này, để từ đó đưa ra quyết định vũ trang cho lực lượng nổi dậy trong trường hợp EU không thể đạt được sự đồng thuận. Đây được xem là bước ngoặt của cuộc chiến, bởi lâu nay, các cường quốc phương Tây mặc dù luôn đặt vấn đề tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Syria, nhưng đằng sau đó, luôn hỗ trợ bằng nhiều hình thức cho phe đối lập để lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Do đó, việc công khai ủng hộ trên phương diện quân sự cho phe đối lập tại Syria đã khiến dư luận thực sự lo ngại. Phản ứng về điều này, tại cuộc họp báo ở London (Anh), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo rằng mọi động thái nhằm vũ trang cho lực lượng đối lập Syria sẽ đều vi phạm luật pháp quốc tế. Ông S. Lavrov nêu rõ, luật pháp quốc tế không cho phép cung cấp vũ khí cho các thành phần phi chính phủ. Cùng thời gian này, người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cảnh báo, vũ khí trang bị cho phe đối lập Syria có thể rơi vào tay các phần tử khủng bố.

Rõ ràng, sự ủng hộ trên nhiều phương diện cho phe đối lập đã và đang khiến cho cuộc khủng hoảng tại Syria chưa thể có điểm dừng trong tương lai gần. Bằng chứng là giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều khu vực ở quốc gia Trung Đông này. Chỉ tính riêng trong 3 ngày gần đây, ít nhất hơn 100 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công trên khắp lãnh thổ Syria.

Hiện tại, dư luận cho rằng, một giải pháp hòa bình là lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria. Thực tế là, vấn đề này từ lâu, đã được cộng đồng quốc tế đặt ra với nhiệm vụ khẩn cấp là chấm dứt ngay lập tức tình trạng đổ máu và bạo lực dưới mọi hình thức, thế nhưng, đáng tiếc là những mong ước đó đã không thành hiện thực. Mặc dù, thời gian gần đây, Damascus đã nhiều lần "chìa bàn tay" đối thoại với phe đối lập, thậm chí, cuối tháng 2/2013, Ngoại trưởng Walid al-Muallem còn khẳng định, chính quyền nước này sẵn sàng đàm phán với tất cả các đảng phái, kể cả lực lượng nổi dậy vũ trang, muốn đối thoại để chấm dứt xung đột, tuy nhiên, điều này không nhận được sự hưởng ứng của phe đối lập. Vấn đề ở đây là chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad đã là "cái gai" trong mắt của giới chức phương Tây cần phải dỡ bỏ và lực lượng đối lập tại Syria luôn nhận được sự “hà hơi tiếp sức” từ bên ngoài.

Syria đang ở “ngã ba đường” là điều giới quan sát bình luận. Một giải pháp hòa bình thông qua thương lượng chỉ có thể tiến hành khi tất cả các bên ở Syria cùng sự chung sức và sự đồng lòng của cả cộng đồng quốc tế, mới mong có được kết quả khả quan. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, mong muốn ấy không dễ thực hiện trong tương lai gần. Khẩu hiệu “Tự do cho Syria” đang chuyển thành “Hãy vũ trang cho Quân đội Syria Tự do” đã và đang đẩy vấn đề Syria đi vào ngõ cụt. Con đường đi đến hòa bình ở Syria chắc chắn sẽ là con đường quanh co và rất lâu dài./.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
nolienchau

thật lạ là người phương tây họ rất quý thú cưng, thậm chí có đạo luật để trừng phạt ai xâm phạm thú cưng... Xem thêm