Cuộc chiến Syria liệu đã đến hồi kết?

Ánh Huyền
Chia sẻ

(VOV5) - Cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria  diễn biến khó lường. Từ ngày 1/9, nhà ngoại giao người Algeria Lakhdar Brahimi chính thức thay thế cựu Đặc phái viên Kofi Annan tiếp quản cương vị Đặc phái viên của LHQ và Liên đoàn Arab (AL) phụ trách vấn đề Syria. Tuy nhiên, những diễn biến của tình hình đã khiến dư luận không có một hy vọng lạc quan nào. Dự báo hồi kết của cuộc xung đột đang điểm với những cung bậc tàn khốc.

(VOV5) - Cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria  diễn biến khó lường. Từ ngày 1/9, nhà ngoại giao người Algeria Lakhdar Brahimi chính thức thay thế cựu Đặc phái viên Kofi Annan tiếp quản cương vị Đặc phái viên của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab (AL) phụ trách vấn đề Syria với cam kết đặt các lợi ích của nhân dân Syria lên trên hết và sẽ dốc lòng để giúp đỡ người dân quốc gia Trung Đông này. Cùng với đó, Iran cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh Phong trào Không liên kết (NAM) tổ chức ở Tehran, cuối tháng 8/2012, nước này sẽ đệ trình một đề xuất nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Syria. Tuy nhiên, những diễn biến của tình hình đã khiến dư luận không có một hy vọng lạc quan nào. Dự báo hồi kết của cuộc xung đột đang điểm với những cung bậc tàn khốc.

Cuộc chiến Syria liệu đã đến hồi kết? - ảnh 1
Ảnh:thecable.foreignpolicy.com


Trong một diễn biến mới, ngày 27/8, lực lượng nổi dậy đã bắn hạ một máy bay trực thăng của quân đội Syria khi chiếc máy bay này đang oanh kích quận Jobar, ngoại ô thủ đô Damascus. Trong khi đó, các nhà hoạt động của phe đối lập cho biết, những cuộc pháo kích và tấn công bằng máy bay trực thăng nhằm vào các khu vực ngoại thành của thủ đô Damascus liên tục diễn ra với tần suất ngày một dày trong thời gian gần đây. Riêng trong ngày 27/8, các vụ oanh kích đó đã làm ít nhất 60 người thiệt mạng.

Dư luận đặt câu hỏi, tại sao cuộc khủng hoảng này kéo dài dai dẳng đến vậy? Hơn 17 tháng đã trôi qua, không một lối thoát, hy vọng nào được nhen nhóm. Kế hoạch 6 điểm của đặc phái viên chung Kofi Annan đã không có bất cứ cơ hội thành công nào. Ông K. Annan đã chạy theo một tham vọng khi cả cộng đồng quốc tế lẫn chính quyền Syria không chấp nhận giải pháp đàm phán. Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã nhiều lần trả lời phỏng vấn cương quyết không bỏ quyền lực trong khi lực lượng nổi dậy lại muốn ông Bashar al-Assad phải từ chức ngay cả trước khi bước vào đàm phán. Sự hỗ trợ đắc lực của phương Tây và các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) cho Quân đội Syria tự do (FSA) đã và đang khiến cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này "rối như canh hẹ".

Ngày 27/8, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố, Paris sẽ công nhận chính phủ lâm thời của Syria ngay sau khi cơ quan này được thành lập, đồng thời hối thúc lực lượng nổi dậy thành lập chính phủ lâm thời trong thời gian sớm nhất có thể. Người đứng đầu nước Pháp này cũng xác nhận việc Paris đang làm việc với các đối tác về khả năng thiết lập các vùng đệm ở Syria, một ý tưởng do Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất. Đó sẽ là "vùng an toàn" hay "vùng giải phóng" và để ngăn chặn các cuộc không kích của Damascus. Khi đưa ý tưởng này ra, dư luận cho rằng, đây là một ý tưởng với nhiều toan tính. Bởi, một khi thiết lập "vùng cấm bay" cũng đồng nghĩa là một cuộc can dự sâu rộng của phương Tây sắp bắt đầu, một kịch bản "hậu Syria" đã được vẽ ra giống như những gì đã xảy ra với Libya. Tính đến nay, với sự hậu thuẫn của phương Tây, hơn 40 quan chức trong đó có một số quan chức cao cấp bao gồm cả Thủ tướng đã đào tẩu khỏi chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, liệu sự ra đi của ông Bashar al-Assad có bảo đảm rằng dân chủ sẽ thế chỗ cho chế độ chuyên quyền ở nước này và điều đó tác động như thế nào tới tình hình chính trị trong khu vực? Thật khó có thể tìm ra câu trả lời xác đáng nhất nếu nhìn những gì đang diễn ra tại Ai Cập, Libya, hai quốc gia đã được áp dụng theo "công thức" mà phương Tây nhào nặn từ "Mùa xuân Arab".

Một thực tế đã được xác nhận rằng, với sự hậu thuẫn của phương Tây, phe đối lập đã có được vị trí nhất định tại Syria. Mới đây, lực lượng này tuyên bố đã kiểm soát 60% thành phố Aleppo nằm gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyên bố này có thể chính xác hoặc không, nhưng rõ ràng phe nổi dậy đang kiểm soát một phần lãnh thổ của Syria. Damascus đã phải dùng tới biện pháp ném bom nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mang tính quyết định. Sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các quốc gia bên ngoài đã và đang đẩy cuộc chiến tới hồi khốc liệt. Người ta lo ngại, một khi bị dồn đến đường cùng, chính quyền của ông Bashar al-Assad sẽ sử dụng những biện pháp mạnh. Không loại trừ khả năng chế độ Damascus hiện nay sẽ sử dụng vũ khí hóa học học khi đối mặt với thất bại. Theo thống kê, Syria đang sở hữu 1.000 tấn vũ khí hóa học, bao gồm cả khí độc sarin và mù tạt, được cất giấu tại 50 thị trấn và làng mạc. Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ là một thảm họa đối với nhân loại. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã vạch ra một "giới hạn đỏ" đồng thời cảnh báo Syria sẽ phải chịu "hậu quả rất lớn" nhoếu di chuyển hoặc sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, không ai có thể tiên đoán được điều gì sẽ xảy ra nhưng một điều chắc chắn rằng, khi hồi kết được mở, con số thiệt mạng, tổn thất từ người dân sẽ vô cùng to lớn./.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu