Triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID - 19

Vân Trung
Chia sẻ
(VOV5) - Tác động ngắn hạn đến nền kinh tế Việt Nam có thể lớn nhưng không kéo dài nếu như dịch bệnh được kiềm chế nhanh.

Kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID - 19. Sự bùng phát của dịch bệnh đã tác động mạnh đến tất cả các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều tổ chức tài chính khu vực, quốc tế, các hãng xếp hạng tín nhiệm, chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ thuận lợi trong trung hạn, sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID - 19 - ảnh 1

Ảnh minh họa

Tác động ngắn hạn đến nền kinh tế Việt Nam có thể lớn nhưng không kéo dài nếu như dịch bệnh được kiềm chế nhanh chóng, tương tự các đợt dịch bệnh trước đây.

Dự báo lạc quan

Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2020) do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) công bố đầu tháng 4 nhận định, kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch. Tuy nhiên, so với bối cảnh chung, nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá vững mạnh. ADB cho rằng, nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020, mức tăng trưởng kinh tế sẽ là 6,8% trong năm 2021, ngang với mức dự báo của ADB trước khi dịch COVID - 19 xuất hiện. Trong trung và dài hạn, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick nhận định, dù các hoạt động kinh tế đi xuống và các rủi ro do đại dịch vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Đồng quan điểm trên, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tuần qua cũng kỳ vọng, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 sẽ đạt hơn 7% khi nhu cầu bên ngoài và trong nước dần hồi phục, xuất khẩu, du lịch và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trở lại. Fitch cũng giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB. Điều này phản ánh nhận định các điểm sáng về tín dụng của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Kết quả xếp hạng tín nhiệm của Fitch cho thấy, Việt Nam vẫn giữ được uy tín trong cộng đồng quốc tế. Điều này dựa trên cơ sở chúng ta đã có một quá trình phát triển trong những năm vừa rồi khá tốt. Nhất là có cải thiện đáng kể về cân đối ngân sách, dự trữ ngoại hối, các hoạt động về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính trong nước. Bên cạnh đó, Việt Nam có triển vọng về thu hút đầu tư nước ngoài cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, kinh tế tư nhân. Hy vọng, sau dịch COVID-19, những nội lực và sức nén của nền kinh tế sẽ được giải phóng để đạt được mức tăng trưởng cao trên 7%, như Fitch dự báo".

Những yếu tố để lấy lại đà tăng trưởng

ADB nhận định động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vẫn là sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân. Môi trường kinh doanh trong nước vẫn đang được cải thiện, nhưng cần cải thiện chính sách để hỗ trợ hệ thống đổi mới sáng tạo. ADB cho rằng, một hành lang pháp lý thuận lợi, cho phép ươm tạo, nuôi dưỡng việc áp dụng fintech sẽ giúp Việt Nam phát triển các dịch vụ tài chính theo cả chiều sâu và chiều rộng. Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, thì đánh giá chính sách của Việt Nam rất phù hợp, đi đúng hướng trong việc bảo vệ người dân khỏi khủng hoảng y tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong khu vực chính thức, quản lý ngân sách tốt.

Các chuyên gia kinh tế Việt Nam thì nhận định những giải pháp kịp thời của Chính phủ và sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đang mang lại hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Thực tế cho thấy, có nhiều cơ hội đang được mở ra đối với nhiều ngành, nghề, lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam. Những “kịch bản” hồi phục kinh tế ngay sau dịch COVID-19 đang được xây dựng ngay trong tuần này sẽ xác định rõ những giải pháp để kinh tế Việt Nam có thể nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết: "Cộng đồng doanh nghiệp của Thủ đô và cả nước đang tận dụng tốt các chính sách, đặc biệt là Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài việc kinh doanh an toàn, các doanh nghiệp đang chuyển đổi mô hình kinh doanh từ mô hình truyền thống sang mô hình kinh doanh trên nền tảng số. Hiện nay, đối với cộng đồng doanh nghiệp đang tận dụng nguồn vốn, các giải pháp tài chính, việc miễn giảm các loại thuế, phí và đầu tư vào những ngành mũi nhọn theo định hướng, cũng như các thế mạnh, các ngành nghề chủ lực mà các doanh nghiệp đang kinh doanh trong thời gian vừa qua"

Bên cạnh môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia hứa hẹn tăng cường việc tiếp cận thị trường cho Việt nam. Đây là yếu tố thiết yếu cho sự phục hồi kinh tế sau COVID-19.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, ngày 10/4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, trong lịch sử, Việt Nam chưa từng chùn bước trước khó khăn, luôn mạnh mẽ và đứng cao hơn thách thức nhờ khí phách dân tộc, sự quyết tâm, đồng thuận trên dưới một lòng. Dư luận tin tưởng, Việt Nam cũng sẽ vượt qua những khó khăn mà dịch COVID -19 gây ra để nền kinh tế sớm lấy lại đà tăng trưởng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu