Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
|
Sáng 10/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống xã hội. Hội nghị thảo luận các nhóm giải pháp: Tháo gỡ khó khăn chao sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã diễn ra ở hầu hết các nước, để lại hậu quả lớn trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đời sống sinh hoạt của người dân, trong đó có Việt Nam.
Do nền kinh tế của Việt Nam có sự hội nhập, độ mở cao, nên dịch đã tác động sâu đến nhiều ngành, lĩnh vực. Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là cao nhất khu vực trong quý I/2020 (3,82%) nhưng là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Hội nghị này có thể gọi là hội nghị trực tuyến 4 trong 1, hay có thể gọi là tất cả trong 1, nhằm huy động tổng lực các nguồn lực đất nước với một khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh Covid-19; đồng thời cần nỗ lực vượt khó vươn lên trong sản xuất và đời sống. Nhiệm vụ của chúng ta là đảm bảo thực hiện nghiêm túc các biện pháp, trước hết không để dịch lây lan, sớm khống chế dịch bệnh. Thách thức đặt ra không chỉ có vậy, chúng ta phải làm sao biến nguy thành cơ. Sau dịch Covid-19 phải làm sao để nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù những tổn thất to lớn do dịch mà còn thực hiện tầm nhìn và quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường".
Nhấn mạnh sự thích ứng là điều quan trọng để tồn tại, vượt qua khó khăn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, hội nghị đưa ra các cơ chế, chính sách cụ thể, trúng và đúng, chuẩn bị các giải pháp để nền kinh tế, doanh nghiệp hiện đang bị “nén như chiếc lò xo” có thể bật lên ngay sau dịch. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tham gia hội nghị hiến kế cho Chính phủ và các bộ, ngành cần cắt giảm thủ tục nào để khắc phục khó khăn. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn, cùng các giải pháp khác, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh, mạnh. "Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của các đầu tàu kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố lớn rất quan trọng. Trong khi Hải Phòng tăng gần 15% GDP trong quý 1 thì Hà Nội chỉ tăng trên 3,7%, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 1%. Đề nghị các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các địa phương tập trung chỉ đạo, khắc phục khó khăn, nỗ lực cùng Chính phủ và cả nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời chúng tôi nhấn mạnh vai trò của các thành phần doanh nghiệp góp phần giải quyết việc làm và tăng trưởng. Chúng ta cần có chương trình bảo vệ sự tồn tại của hệ thống doanh nghiệp của chúng ta, kể cả hợp tác xã".
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh phải giải ngân hết vốn năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 với tổng vốn gần 700 nghìn tỷ đồng (tương đương 28 tỷ USD).
Về triển khai gói hỗ trợ lao động, đảm bảo an sinh xã hội, trong lúc khó khăn, Đảng, Nhà nước và các cấp bố trí số tiền hơn 62.000 tỷ đồng (tương đương hơn 2,4 tỷ USD) để hỗ trợ các đối tượng khó khăn, những người thấp nghiệp do Covid-19. Nhấn mạnh vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình bày biện pháp triển khai gói hỗ trợ này đảm bảo chính xác và hiệu quả.