Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona SARS-CoV-2 tiếp tục hoành hành dữ dội trên toàn thế giới, đặc biệt là tại châu Âu, nhiều quốc gia đang nỗ lực chạy đua tìm thuốc điều trị và vaccine phòng ngừa. Tuy nhiên, các quốc gia cần có nỗ lực chung toàn cầu trong việc tạo ra vaccine ngừa Covid-19 trong thời gian sớm nhất, thay vì chạy đua giữa các quốc gia.
Ảnh minh họa |
Trong đại dịch COVID-19 do virus Sars-CoV-2 gây ra, việc tạo ra được vaccine giúp phòng ngừa virus này là một ưu tiên để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, cũng như số người chết vì bệnh này trên toàn thế giới.
Các nỗ lực tạo ra vaccine
Trong thời gian qua, các quốc gia liên tục công bố các nghiên cứu và tuyên bố đã tạo ra được các nền tảng quan trọng cho việc phát triển vaccine như xây dựng hệ thống nuôi cấy virus trong phòng thí nghiệm, giải mã toàn bộ bộ gen của virus và tìm hiểu cặn kẽ các cấu trúc phân tử của virus này.
Hiện, vaccine ngừa virus Sars-CoV-2 vẫn đang được tập trung phát triển với tốc độ rất nhanh từ nhiều nhóm trên thế giới, với nhiều phương pháp khác nhau. Hôm 2/4, Cơ quan Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Australia bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1 vaccine trên hai con chồn sương tại phòng thí nghiệm thú y ở thành phố Geelong (thuộc bang Victoria). Thử nghiệm có ý nghĩa trong cuộc đua tìm kiếm vaccine phòng đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Việc thử nghiệm trên động vật sẽ cung cấp cơ sở và sự tự tin cho các nhà khoa học để chuyển sang nghiên cứu trên cơ thể người.
Hãng Dược phẩm sinh học AnGes Inc của Nhật Bản và Đại học Osaka cũng vừa nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho vắc xin phòng ngừa Covid-19. Hiện tại, các nhà khoa học của AnGes Inc và Đại học Osaka đang thử nghiệm các hợp chất vaccine này trên động vật. Trong khi đó, Công ty thuốc lá British American Tobacco thông báo, cơ sở nghiên cứu công nghệ sinh học của công ty tại Mỹ đang phát triển một loại vaccine tiềm năng sử dụng các protein chiết xuất từ lá của cây thuốc lá. Hiện vaccine này đang trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng. Công ty này dự tính từ tháng 6 tới có thể sản xuất từ 1 đến 3 triệu liều vaccine/tuần với sự hỗ trợ của các cơ quan chính phủ và các nhà sản xuất chuyên ngành.
Ảnh chụp ngày 26/03 tại một phòng thí nghiệm ở Brazil. - Nguồn: NAFP/Archivos |
Cần nỗ lực toàn cầu để ra đời vaccine
Theo các chuyên gia y tế, thông thường, mỗi giai đoạn nghiên cứu và phát triển, vaccine phải được thử nghiệm trên động vật rồi trên người. Tổng cộng phải mất từ 6 đến 36 tháng để sản xuất. Với virus phức tạp như SARS-CoV-2, thời gian có thể phải mất lâu hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng, áp lực với giới khoa học ở mỗi quốc gia trong việc nhanh chóng tìm ra vaccine phòng ngừa là vô cùng lớn.
Sự phát triển của các vaccine tiềm năng ngừa Covid-19 đang tiến triển nhanh. Tuy nhiên, Tổ chức y tế thế giới (WHO) cảnh báo việc các quốc gia chạy đua để phát triển vaccine mà không có sự hợp tác toàn cầu có thể sẽ dẫn đến những vaccine không an toàn, thiếu thời gian kiểm nghiệm. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì khi đó vaccine sẽ trở thành loại thuốc làm lây lan nhanh hơn Covid-19 hoặc gây biến chứng, nhất là làm yếu hệ miễn dịch. Ngoài ra, khi vaccine được chứng minh là an toàn và hiệu quả, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phân phối vaccine quy mô toàn cầu trên cơ sở công bằng. Các quốc gia cần có các cam kết chính trị để bảo đảm rằng các nước được tiếp cận và đáp ứng nhu cầu sử dụng vaccine và thuốc chữa trị Covid-19 nếu nghiên cứu thành công.
Hiện có nhiều tín hiệu mừng là các tổ chức đa phương được tài trợ bởi nhiều chính phủ, các công ty dược phẩm và các nhà hảo tâm đều đang sẵn sàng đổ hàng trăm triệu USD vào nỗ lực phát triển vaccine. Đại dịch COVID-19 còn đang diễn biến rất phức tạp trên toàn thế giới, với những hậu quả rất nặng nề không thể lường hết được đối với toàn nhân loại. Để đẩy nhanh tiến trình điều chế và phân phối rộng rãi vaccine, rất cần nỗ lực chung toàn cầu thay vì cạnh tranh chiếm thế độc quyền ở mỗi quốc gia.