Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: vtv.vn
|
Bất chấp việc Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, các quốc gia còn lại tham gia ký thỏa thuận vẫn đang tích cực tìm hướng đi mới để Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) vẫn có hiệu lực. Tuy nhiên quá trình này không dễ dàng.
Số phận thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi văn kiện lịch sử này vẫn tiếp tục là chủ đề “nóng” trong mấy ngày gần đây. Iran mới đây đã khẳng định sẽ tiếp tục ở lại Thoả thuận với điều kiện các nước Châu Âu vẫn ủng hộ duy trì thỏa thuận này. Trong khi đó, Mỹ không ngừng hối thúc các đồng minh Anh, Pháp, Đức phối hợp với Washington, đồng thời đe dọa sẽ trừng phạt các công ty Châu Âu nếu tiếp tục làm ăn với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Ngoại giao con thoi để cứu vãn thỏa thuận
Thỏa thuận hạt nhân Iran giờ đây tuy thiếu Mỹ nhưng các quốc gia còn lại không từ bỏ tham vọng duy trì thỏa thuận. Biểu hiện là không lâu sau quyết định gây thất vọng của Tổng thống Donald Trump, lãnh đạo các quốc gia tham gia ký kết thỏa thuận bắt tay vào việc thúc đẩy đàm phán. Sau các cuộc thảo luận tại thủ đô Sofia của Bulgaria ngày 16/5, lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về một cách tiếp cận chung của khối này để duy trì thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc ký với Iran hồi năm 2015. Theo đó, các nhà lãnh đạo EU nêu rõ sẽ luôn ủng hộ JCPOA nếu như Iran tôn trọng thỏa thuận này. EU cũng nhất trí duy trì quan hệ hợp tác kinh tế với Iran và bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu chịu ảnh hưởng tiêu cực do quyết định của Mỹ rút khỏi JCPOA và trừng phạt Tehran. 1 ngày trước đó (15/5), EU đã khởi xướng một kế hoạch kinh tế gồm 9 điểm nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, trong đó có việc duy trì quan hệ kinh tế với Iran, đảm bảo Tehran duy trì khả năng kinh doanh các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt của mình cũng như tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế, và bảo vệ các công ty châu Âu đang hoạt động tại Iran. Đây là lần đầu tiên trong vài năm gần đây, EU đạt được tiếng nói thống nhất và mạnh mẽ về một chủ đề liên quan đến an ninh quốc tế lớn.
Dự kiến, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có chuyến thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/5. Vài ngày sau đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng sẽ đến Nga. Tổng thống Putin có kế hoạch gặp ông Yukiya Amano, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Sochi. Trung Quốc thì cho biết sẵn sàng hợp tác với Nga để duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trong khi đó, Tehran cũng rất chủ động tìm kiếm "sự đảm bảo" từ các bên ký kết Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Chuyến công du tới Trung Quốc, Nga, Bỉ (nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu) của Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif từ ngày 13/5 là để thực hiện nhiệm vụ trên. Chuyến công du đã đạt được kết quả thuận lợi ban đầu khi các bên liên quan đều cam kết ủng hộ việc duy trì thỏa thuận này. Tuy nhiên, triển vọng đạt được một giải pháp lâu dài vẫn rất khó khăn.
Không dễ dàng
Đối với Châu Âu thì quyết định của Mỹ về việc rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran năm 2015 đã đẩy khối này vào thế bị kẹt giữa hai bên. Một bên là Iran và các lợi ích kinh tế và an ninh mà Châu Âu đã theo đuổi suốt nhiều năm qua mới đạt được và một bên là Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Châu Âu và là cường quốc số 1 thế giới. Năm ngoái, giá trị hàng hóa xuất khẩu của EU vào Iran đạt gần 11 tỷ euro (khoảng 13 tỷ USD), tăng 66% so với năm 2015. Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu đã đạt được hợp đồng trị giá 10 tỷ euro tại Iran, hãng dầu khí Total đầu từ hơn 3 tỷ euro vào thị trường này.
Trong khi đó, Mỹ là đối tác quan trọng bậc nhất của EU và ngược lại. Hai bên có sự tương đồng trong hầu hết các giá trị về hệ tư tưởng, kinh tế, an ninh và có nhiều lợi ích chung. Vì vậy vấn đề bây giờ là Châu Âu phải cân bằng được việc giữ Iran ở lại trong thoả thuận hạt nhân 2015 và vừa phải làm sao để không làm đổ vỡ quan hệ đồng minh với Mỹ.
Hơn nữa, dù EU có tuyên bố mạnh mẽ thế nào đi nữa, trong bối cảnh hiện nay, sự thống trị của Mỹ trong nền tài chính thế giới khiến cho bất cứ ý đồ “lách” lệnh trừng phạt, đi ngược lại quyết định cấm vận của Mỹ trở nên hết sức khó khăn. Mỹ đang khống chế các điểm quan trọng nhất của mạng lưới tài chính, trong đó có hệ thống giao dịch liên ngân hàng toàn cầu SWIFT. Bởi vậy, đánh giá về kế hoạch hỗ trợ Iran, một quan chức cao cấp châu Âu nhận định “rất khó để tìm ra một giải pháp phù hợp, nhất là cho các tập đoàn lớn đang có nhiều hoạt động tại Mỹ”.
Về lý thuyết, thoả thuận hạt nhân Iran 2015 vẫn có thể tiếp tục thực hiện kể cả khi Mỹ rút lui, nhưng thực hiện đến mức nào thì lại phụ thuộc ở việc châu Âu dám hy sinh quan hệ đồng minh với Mỹ đến đâu?. Rất khó tin rằng mối quan hệ đồng minh sống còn của phương Tây lại có thể đổ vỡ vì hồ sơ Iran. Vì thế, về lâu dài, châu Âu sẽ phải tìm kiếm một giải pháp được Mỹ chấp nhận. Và chặng đường này còn nhiều gian nan khi EU còn phải tìm cách đảm bảo lợi ích của cả Iran.