Fatah và Hamas ký thỏa thuận hòa giải: Bước tiến quan trọng cho hòa giải nội bộ Palestine

Hồng vân
Chia sẻ
(VOV5) - Lãnh đạo phong trào Hamas và Fatah ở Palestine ngày 12-10 (giờ địa phương) đã đạt được một thỏa thuận hòa giải tại thủ đô Cairo của Ai Cập, chấm dứt một thập kỷ mâu thuẫn và chia rẽ.
Fatah và Hamas ký thỏa thuận hòa giải: Bước tiến quan trọng cho hòa giải nội bộ Palestine  - ảnh 1 Đại diện của Fatah ông Azam al-Ahmad (phải) và đại diện của Hamas ông Saleh al-Aruri (trái) tại lễ ký thỏa thuận hòa giải ở Cairo ngày 12/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là một bước tiến lịch sử, mở ra hy vọng chấm dứt xung đột kéo dài giữa hai phong trào chính trị chủ chốt của Palestine và hướng tới xây dựng một Palestine đoàn kết, tạo lợi thế trong các cuộc đàm phán hòa bình với Israel. 

Theo thỏa thuận vừa ký kết, Hamas sẽ trao quyền kiểm soát cửa khẩu Rafah và toàn bộ cơ quan hành chính tại dải Gaza cho Chính phủ đoàn kết Palestine lần lượt vào ngày 1/11 và 1/12. Fatah sẽ gửi khoảng 3.000 cảnh sát sang bổ sung lực lượng cảnh sát dải Gaza, dù Hamas vẫn là nhóm vũ trang mạnh nhất của Palestine với khoảng 25.000 tay súng được trang bị tốt. Hamas và Fatah sẽ cùng bàn ngày bầu cử Tổng thống và Quốc hội, cũng như về việc cải cách Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) - chịu trách nhiệm tìm kiếm hòa bình với Israel.

Thỏa thuận cuối cùng        

Việc Fatah và Hamas chấp nhận ngồi chung “thuyền” được coi là tất yếu trong bối cảnh khu vực và quốc tế đã có nhiều thay đổi. Tại Trung Đông, sự chú ý giờ đây đổ dồn vào cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS); hay xung đột tại Syria, vấn đề hạt nhân Iran; cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh…Do đó, vấn đề Palestine không còn được quan tâm như trước kia. Trong khi đó, Mỹ và nhiều nước Ả Rập đang thể hiện xu hướng ủng hộ Israel ở nhiều cấp độ khác nhau. Hơn nữa việc Hamas chủ trương đấu tranh vũ trang đã dẫn đến những cuộc xung đột với Israel, thậm chí tạo cớ cho quốc gia này từ bỏ các cam kết và làm đình trệ tiến trình hòa bình Trung Đông. Hiện nay, sự ủng hộ đối với Hamas đang giảm mạnh do sức ép của các nước. Vì thế, việc hòa hợp Hamas và Fatah có ý nghĩa chính trị rất lớn đối với Palestine nói riêng, tiến trình hòa bình của khu vực nói chung.

Tổng thống Palestine Mahmud Abbas đã khẳng định đây là "thỏa thuận cuối cùng" nhằm chấm dứt chia cắt và xung đột giữa hai phe. Thậm chí ông Abbas cũng đã lên kế hoạch thăm Dải Gaza trong vòng một tháng tới như một phần của nỗ lực hòa giải. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông  đến khu vực do nhóm Hamas kiểm soát trong vòng một thập kỷ, và được đánh giá là bước đệm để tiến tới gỡ bỏ các lệnh cấm vận áp đặt tại đây.

Trên bình diện quốc tế, việc thúc ép Palestine hòa giải nội bộ giúp Ai Cập không chỉ đảm bảo an ninh cho chính mình, xác lập được vai trò chính trị ở khu vực mà còn bớt khó xử với Israel. Hòa giải với Fatah sẽ buộc Hamas bớt thù địch và cực đoan với Israel; và chính quyền Tel Aviv, nếu muốn, chỉ còn phải đàm phán với một Palestine thống nhất chứ không phải với 2 phong trào chính trị.

Tính khả thi của thỏa thuận

Các nhà phân tích nhận định thỏa thuận lần này giữa Fatah và Hamas có nhiều cơ hội được tôn trọng hơn các thỏa thuận trước. Lý do vì Hamas ngày càng bị cô lập và kinh tế dải Gaza ngày càng kiệt quệ do bị phong tỏa và cơ sở hạ tầng hư hại nhiều trong các cuộc giao tranh với Israel. Hiện tại 2 triệu người dân ở dải Gaza sống trong tình trạng thường xuyên thiếu điện nghiêm trọng và tỷ lệ thất nghiệp cao. Vì vậy nếu thỏa thuận được thực hiện, dải Gaza sẽ được dỡ bỏ phong tỏa và những khó khăn trong đời sống nhân dân được giải quyết.

Tuy nhiên theo nhà bình luận chính trị người Palestine Mustafa Ibraham, với chuyện ngày bầu cử chưa được xác định cũng như các điều khoản khác cũng chưa rõ ràng thì dân Palestine chưa nên vội mừng sớm. Điển hình là trong khi quyền kiểm soát đường giao cắt giữa dải Gaza với Israel sẽ được bàn giao cho Chính quyền Palestine vào ngày 1/11 thì đường biên giới với Ai Cập sẽ cần thêm nhiều thời gian đàm phán. Lữ đoàn Ezzedine al – Qassam, cánh vũ trang của Hamas với khoảng 25 nghìn thành viên, cũng sẽ là một trở ngại trong việc thực thi thỏa thuận ký ngày 12/10 vừa qua. Các  quan chức cấp cao của Hamas cho biết việc giải tán cánh vũ trang này là không thể trong khi Tổng thống Abbas khẳng định Chính quyền Palestine phải nắm toàn quyền kiểm soát. Điểm quan trọng nữa là số phận hàng chục nghìn nhân viên chính phủ do Hamas tuyển dụng từ năm 2007. Vấn đề này phải đến tháng 2/2018 mới được giải quyết.

Tính khả thi của thỏa thuận cũng sẽ chịu áp lực không nhỏ từ các nước trong và ngoài khu vực Trung Đông. Bởi lẽ, không giống như phong trào Giải phóng Palestine do ông Abbas lãnh đạo, Hamas không hề công nhận Israel và sẽ không từ bỏ bạo lực. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo rằng Chính phủ của ông sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận hòa giải nào , trừ khi Hamas giải trừ vũ khí và thừa nhận quyền tồn tại của Israel.  Mỹ, nước đang tìm cách khởi động tiến trình hòa bình Israel – Palestine, cũng nêu quan điểm bất kì Chính phủ Palestine nào cũng phải thừa nhận quyền tồn tại của Israel.

 Hòa hợp dân tộc luôn là ước vọng của người dân Palestine. Việc Hamas và Fatah đạt thỏa thuận hòa giải mới chỉ là bước khởi đầu trên con đường hòa giải nội bộ, vì một mục tiêu chung là thành lập một nhà nước Palestine độc lập. Thách thức thực sự vẫn còn ở phía trước, đặc biệt là những bất đồng giữa Hamas và Fatah về cách thức giải quyết cuộc xung đột Palestine - Israel, cũng như những trở ngại từ phía Israel.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu