Rút khỏi JCPOA: bước đi mạo hiểm của Hoa Kỳ

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Quyết định của ông chủ Nhà Trắng tuy được biện minh là để đảm bảo lợi ích của Mỹ song lại khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa Mỹ và EU.

Trước hạn chót 4 ngày, chiều 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra quyết định đáng tiếc là rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran và khôi phục các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Quyết định của ông chủ Nhà Trắng tuy được biện minh là để đảm bảo lợi ích của Mỹ song lại khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa Mỹ và EU, giảm uy tín của Mỹ trên trường quốc tế. Quan trọng hơn, quyết định này có thể khiến khu vực Trung Đông rơi vào khủng hoảng.   

Rút khỏi JCPOA: bước đi mạo hiểm của Hoa Kỳ - ảnh 1 Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, tuyên bố quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA, ngày 8/5 - Ảnh: THX/TTXVN

Trong bài phát biểu chiều 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump lặp lại nhận định rằng thỏa thuận hạt nhân 2015 mà chính quyền tiền nhiệm đã ký với Iran, Pháp, Đức, Anh, Nga, Trung Quốc là "một thỏa thuận tệ hại" và "không có ích gì cho hòa bình". Theo ông Donald Trump, chương trình này đã không ngăn chặn hiệu quả Iran phát triển vũ khí hạt nhân cũng như ngăn chặn Iran tài trợ cho các nhóm khủng bố. Vì thế, Mỹ quyết định rút khỏi thoả thuận và khôi phục các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran.

Nguy cơ khủng hoảng ở Trung Đông

Ngay từ khi tranh cử cho đến khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, ông Donald Trump luôn khẳng định rằng Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) bị khiếm khuyết từ bên trong, không ngăn chặn được mà chỉ trì hoãn khả năng Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. Vì vậy dư luận không quá bất ngờ trước quyết định rút khỏi JCPOA ngày 8/5 của ông Trump, có chăng chỉ là sự nuối tiếc và quan ngại cho 1 thỏa thuận đạt được sau 12 năm đàm phán ròng rã để Iran chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Cái cớ mà ông Trump biện minh cho hành động hủy bỏ cam kết của Mỹ đối với JCPOA là cáo buộc Iran tiếp tục xây dựng một chương trình hạt nhân, trong khi không đưa ra bằng chứng. Không dừng lại ở đó, Tổng thống Mỹ còn cho biết sẽ bắt đầu triển khai "mức cao nhất" của các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran, cụ thể là các ngành như tài chính, chế tạo ô tô và năng lượng. Lệnh trừng phạt mới của Mỹ có thể cản trở việc xuất khẩu dầu của Iran trong khi nước này là thành viên lớn thứ ba của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và cung cấp 4% lượng dầu cho thế giới mỗi ngày.

Người ta thấy trong quyết định của Mỹ có bóng dáng lợi ích của một số đồng minh của Hoa Kỳ ở Trung Đông. Các nước đối đầu với Iran trong khu vực như Saudi Arabia hay Israel tỏ ra thỏa mãn với việc Mỹ tái lập trừng phạt lên Iran. Israel cho biết hoàn toàn ủng hộ quyết định của ông Trump và cảm ơn Tổng thống Trump về sự lãnh đạo can đảm của ông.

Tuy nhiên về tổng thể, quyết định của Trump được cho là sẽ đẩy Trung Đông vào cuộc khủng hoảng mới, làm gia tăng căng thẳng tại khu vực vốn đang chìm trong một loạt đối đầu mới trong đó có xung đột tại Syria cũng như là những đối đầu ngấm ngầm giữa Iran với Israel và các nước Arab. Hệ lụy không lường trước được lớn nhất của quyết định này sẽ là một cuộc chiến với Iran. Với nền kinh tế đang chìm trong khó khăn, Tehran có thể sẽ gắn bó với thỏa thuận với hy vọng mang lại lợi ích đầy đủ cho Iran khi hợp tác với tất cả các nước. Song nếu không đảm bảo được các lợi ích, Iran sẽ đưa ra quyết định riêng của mình. Nước này đã chuẩn bị sẵn sàng nối lại các hoạt động hạt nhân ở mức công nghiệp và có thể khởi động ngay trong tuần tới. 

Tổn hại đến uy tín Hoa Kỳ, khoét thêm mâu thuẫn với EU

Quyết định rút khỏi JCPOA của ông Trump chưa biết đem lại lợi ích to lớn gì cho nước Mỹ song trước mắt nó đã làm tổn hại đến uy tín toàn cầu của Mỹ. “Học thuyết rút lui” đã khiến người ta khó có thể tin tưởng bất kỳ cam kết quốc tế nào do chính Mỹ khởi xướng, vì lo ngại nó có thể dễ dàng bị đảo ngược, nhất là trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Đối với các đồng minh phương Tây, việc Mỹ rút khỏi JCPOA là động thái tự cô lập của Hoa Kỳ. Bằng chứng là bất chấp sự rút lui của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) xác định vẫn bảo toàn thỏa thuận hạt nhân Iran, 1 thỏa thuận theo EU là yếu tố cốt tử để bảo đảm an ninh của châu Âu cũng như an ninh thế giới. Không chỉ vậy, quyết định trừng phạt Iran của ông Trump cũng động chạm tới quyền lợi cốt lõi của EU, là thảm họa đối với các công ty của châu Âu đã ồ ạt đầu tư vào Iran những năm qua. Vì thế EU khẳng định sẽ hành động để bảo vệ những lợi ích kinh tế của mình. Rõ ràng, ông Trump đã đẩy EU và Mỹ vào thế đối đầu.

Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc, hai quốc gia thành viên Nhóm P5+1 vốn ủng hộ văn kiện này.  

Mặc dù ông Trump cũng để ngỏ khả năng đàm phán về một thỏa thuận mới bằng việc sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh hướng tới một thỏa thuận thực sự, toàn diện và giải quyết thấu đáo mối đe dọa hạt nhân của Iran song điều này còn rất mơ hồ và không hề dễ dàng.

Hơn 2 năm trước, toàn thế giới đã vui mừng khi JCPOA được ký kết, một khởi đầu tốt đẹp cho những nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. Song khó ai ngờ rằng giờ đây, với những toan tính của Washington, thỏa thuận này trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu