Tiếng Pháp mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong bối cảnh toàn cầu hóa

Văn Anh
Chia sẻ
(VOV5)- Hàng năm, cứ đến tháng 3, không chỉ những người yêu tiếng Pháp mà đông đảo công chúng Việt Nam nhiệt tình chào đón ngày hội Pháp ngữ. Tham gia cộng đồng Pháp ngữ từ những năm 70 của thế kỷ trước và đã đóng góp rất nhiều vào quá trình hình thành, phát triển của tổ chức này, Việt Nam hiện đang đóng vai trò là một thành viên tích cực trong tổ chức này, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
(VOV5)- Hàng năm, cứ đến tháng 3, không chỉ những người yêu tiếng Pháp mà đông đảo công chúng Việt Nam nhiệt tình chào đón ngày hội Pháp ngữ. Tham gia cộng đồng Pháp ngữ từ những năm 70 của thế kỷ trước và đã đóng góp rất nhiều vào quá trình hình thành, phát triển của tổ chức này, Việt Nam hiện đang đóng vai trò là một thành viên tích cực trong tổ chức này, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tiếng Pháp mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong bối cảnh toàn cầu hóa - ảnh 1
Chiếc bánh dài nhất Việt Nam đã được chia cho hàng nghìn sinh viên tham gia Ngày hội Pháp ngữ tại Đại học Hà Nội năm 2013...

Tôn chỉ hoạt động của cộng đồng Pháp ngữ nhằm tôn vinh tiếng Pháp cũng như sự đa dạng, phong phú về văn hóa trong Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp và cả những ngôn ngữ khác nhau trong Cộng đồng Pháp ngữ. Thông qua sự giao lưu ngôn ngữ, văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết, các cơ hội hợp tác về chính trị, kinh tế mở ra nhiều triển vọng hơn.


Việt Nam tích cực tham gia Cộng đồng Pháp ngữ

Việt Nam tham gia Pháp ngữ từ những năm 70 của thế kỷ trước và ngay từ thời điểm đó, Việt Nam đã chú trọng đến việc giảng dạy tiếng Pháp. Việt Nam đã hợp tác với tổ chức Pháp ngữ lập ra các lớp song ngữ để tạo ra nguồn sử dụng tiếng Pháp ở Việt Nam. Hiện tiếng Pháp được coi là ngoại ngữ đặc biệt tại Việt Nam, không chỉ là phương tiện làm việc của các tổ chức quốc tế, mà nó được sử dụng song song với tiếng Anh tại các phiên họp và diễn đàn quốc tế cũng như khu vực. 

Theo nhận định của Giám đốc Văn phòng Pháp ngữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Hà Nội, bà Vanissa Barrak, Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong khối cộng đồng Pháp ngữ do nằm tại một trong những châu lục có sự hiện diện của tất cả các nước Pháp ngữ trên thế giới. Một thực tế là Việt Nam không chỉ là cửa ngõ rất quan trọng của khu vực Đông Nam Á, mà còn là một trong những thành viên rất quan tâm tới các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ cũng như đã đầu tư rất nhiều cho sự phát triển của Pháp ngữ.

Bà Vanissa Barrak, Giám đốc Văn phòng Pháp ngữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Hà Nội, cho rằng: Trong chiến lược của mình, chúng tôi quan tâm tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với những ưu tiên, trong đó có ưu tiên phát triển tiếng Pháp, bởi hiện nay tiếng Pháp trong khu vực còn hạn chế. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tiếng Pháp phát triển và ứng dụng khá tốt. Mục tiêu lâu dài của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ là thông qua tiếng Pháp, ngoài việc mở rộng hợp tác, trao đổi, giao lưu về văn hóa, giáo dục, chúng tôi còn muốn thúc đẩy hợp tác về kinh tế và các lĩnh vực khác với Việt Nam cũng như khu vực này.

Tiếng Pháp ngày nay mang lại cơ hội, mang lại nhiều giá trị cho những người có sử dụng ngôn ngữ này. Nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu, tác động tới nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Bởi vậy, tiếng Pháp ngày càng thể hiện sức sống lâu bền qua việc là ngôn ngữ được sử dụng như ngôn ngữ chính thức tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện, hơn 220 triệu người trên thế giới tại 77 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ cùng nhau chia sẻ tiếng Pháp. Tiếng Pháp còn được sử dụng chính thức trong nhiều tổ chức quốc tế lớn, trong đó có Liên hợp quốc.


Tiếng Pháp mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong bối cảnh toàn cầu hóa

Với Việt Nam, nhận thức rõ vai trò của tiếng Pháp cũng như tầm quan trọng của sự thúc đẩy đa dạng văn hóa trong cộng đồng Pháp ngữ, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, năng động của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ. Việt Nam luôn có những ý tưởng, sáng kiến về hợp tác, giao lưu, đối thoại trong Cộng đồng Pháp ngữ trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, nông nghiệp, trong đó phải kể tới là hợp tác 3 bên giữa Việt Nam với một quốc gia châu Phi và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc. Đặc biệt, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ tại Hà Nội năm 1997. Những yếu tố đó càng khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trong Cộng đồng Pháp ngữ.

Bởi thế, mỗi dịp tháng 3 này, các hoạt động kỷ niệm ngày quốc tế Pháp ngữ lại diễn ra sôi động như lễ trao các giải thưởng Pháp ngữ, hòa nhạc, triển lãm, chiếu phim, hội thảo, gặp gỡ giao lưu…, là minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam với tổ chức quốc tế này. Ông Vũ Anh Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, khẳng định: Đây cũng là dịp để Việt Nam với các tổ chức pháp ngữ bàn bạc các hình thức hợp tác để tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam với tổ chức này. Mối quan hệ này rất quan trọng, ngoài việc thực hiện các chính sách quan trọng của Việt Nam là tăng cường hội nhập trong tình hình hiện nay. Qua tổ chức quốc tế Pháp ngữ chúng ta cũng đã thúc đẩy được nhiều mối quan hệ hợp tác với các nước thành viên của tổ chức này trên thế giới.

Tiếng Pháp mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong bối cảnh toàn cầu hóa - ảnh 2
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Tổng Thư ký Abdou Diouf chứng kiến Lễ ký Bản ghi nhớ về việc Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ hỗ trợ Trung tâm Nghiên cứu và hợp tác Pháp ngữ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ngày 13/3/2014 - Ảnh: Văn Anh

Vào đầu tháng 4 tới, một diễn đàn Pháp ngữ về hợp tác kinh tế tại Hà Nội, với sự có mặt của các chuyên gia kinh tế, các quan chức cấp cao phụ trách về kinh tế của các nước thành viên Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ từ khắp các châu lục. Đây là sáng kiến quan trọng của Việt Nam. Diễn đàn này là cơ hội để đại diện các nước, các chuyên gia kinh tế đưa ra những đề xuất, kiến nghị, từ đó có thể thiết lập những chương trình hợp tác, trao đổi kinh tế giữa các thành viên trong Cộng đồng Pháp ngữ cũng như hình thành các mô hình hợp tác kinh tế trong khuôn khổ Cộng đồng Pháp ngữ, cũng như một Chương trình hành động cụ thể./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu