Thổ Nhĩ Kỳ và những thách thức sau bầu cử

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Tình trạng chia rẽ sâu sắc giữa các chính đảng, tình trạng kinh tế đất nước đang khó khăn chồng chất buộc đảng AKP phải nhanh chóng tìm ra giải pháp. 

(VOV5) - Cuộc bầu cử Quốc hội ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa kết thúc với chiến thắng thuộc về đảng Công lý và phát triển của đương kim Tổng thống Tayyip Erdogan với đa số phiếu bầu. Kết quả cuộc bầu cử, theo các nhà quan sát, đã phần nào phản ánh nguyện vọng của cử tri nước này, đó là mong muốn được sống trong một môi trường ổn định và phát triển, tin tưởng đảng cầm quyền tiếp tục lãnh đạo đất nước. 

Thổ Nhĩ Kỳ và những thách thức sau bầu cử - ảnh 1
AKP của Tổng thống Tayyip Erdogan giành thắng lợi (Ảnh: internet)

Ngày 1/11, với 97% số phiếu, đảng “Công lý và Phát triển” (AKP) do Tổng thống Tayyip Erdogan thành lập đã giành được 49,4% số phiếu bầu, tương đương 315/ 550 ghế trong Quốc hội. Trong khi đó, đảng Nhân dân Cộng hòa đối lập (theo trường phái cánh tả trung dung) chỉ giành được 23% phiếu bầu, đảng Dân chủ Nhân dân giành được 10%  và đảng Phong trào Dân tộc giành được 11% phiếu bầu. Với kết quả này, AKP có quyền đứng ra thành lập chính phủ độc đảng đa số.

Vì sao AKP nhận được sự ủng hộ của cử tri?

Cuộc bầu cử lần này là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm qua. Diễn ra trong bối cảnh chính phủ nước này đang bị chia rẽ sâu sắc trước làn sóng tấn công đẫm máu từ các phần tử thánh chiến cũng như những bất đồng gay gắt mới với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), trước thềm bầu cử, nhiều nhà phân tích lo ngại cuộc bầu cử sẽ không chấm dứt được bế tắc chính trị hiện nay. Theo các kết quả thăm dò trước bầu cử, tỷ lệ phiếu bầu cho đảng của Tổng thống T.Erdogan chỉ ở mức 40-43%, thấp hơn so với mức cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ. Trong khi đó, các chính đảng thân Kurd vẫn khá được lòng người dân. Tuy nhiên, kết quả bầu cử đã vượt ra ngoài dự đoán khi đảng cầm quyền AKP dành tới 49,4% tỷ lệ số phiếu bầu của cử tri, toàn quyền đứng ra thành lập chính phủ mới mà không cần phải liên minh với bất kỳ đảng nào khác.

Chiến thắng tại cuộc bầu cử Quốc hội lần này của AKP được đánh giá là một kết quả bất ngờ. Trước đó, các cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đi bầu cử Quốc hội lần thứ hai trong 5 tháng qua tại nước này. Trong cuộc bầu cử hồi tháng 6 vừa qua, đảng AKP cầm quyền đã mất thế đa số ghế tại Quốc hội lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2002. Sau đó, đảng này cũng không đàm phán thành công với các đảng phái khác để thành lập chính phủ liên minh, khiến Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải tổ chức bầu cử lại theo quy định của Hiến pháp.

Vậy điều gì đã giúp cho AKP, vốn vẫn bị chỉ trích là đi theo đường lối lãnh đạo cứng rắn và độc đoán, giành đa số tuyệt đối trong quốc hội để cầm quyền một mình? Câu trả lời là do khủng bố và mối lo bất ổn. Sự trỗi dậy của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), cuộc chiến ở nước láng giềng Syria tràn qua và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã trở thành mối quan tâm lớn của cử tri trên cả nước. Bất ổn kéo dài thời gian qua ở Thổ Nhĩ Kỳ là nguyên nhân khiến các cử tri muốn quay trở lại thời kỳ đất nước được cai trị bởi một chính đảng duy nhất, để chính quyền có thể dễ dàng có những phản ứng cương quyết chống lại chủ nghĩa khủng bố. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận chính phủ chuyển tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua đã tạo ra được những cải cách lớn trong đời sống kinh tế, chính trị xã hội nhờ vào sự ổn định do chính phủ một đảng chiếm đa số trong quốc hội tạo ra. Với chiến lược và những cải cách rõ ràng, AKP đã tập hợp được sự ủng hộ của các cử tri khi cam kết chỉ có sự cai trị độc đảng mới có thể giúp chấm dứt tình trạng bất ổn chính trị kéo dài suốt 5 tháng qua do bất đồng giữa các đảng phái tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thách thức sau bầu cử

Tuy nhiên, không có nghĩa là đảng cầm quyền AKP của Tổng thông T.Edorgan sẽ dễ dàng thực hiện được những mong muốn của cử tri. Bế tắc kéo dài suốt 5 tháng qua trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ tạm thời có thể được phá vỡ, nhưng phía trước vẫn là những thách thức rất lớn. Đó là tình trạng chia rẽ sâu sắc giữa các chính đảng, tình trạng kinh tế đất nước đang khó khăn chồng chất buộc đảng AKP phải nhanh chóng tìm ra giải pháp. Đặc biệt là những thách thức trong lĩnh vực an ninh, đối phó với làn sóng di cư. Các vụ xung đột giữa chính phủ và lực lượng nổi dậy thuộc đảng Công dân người Kurd (PKK) ngày càng gia tăng và tiến trình hòa bình với người Kurd không có tiến triển. Thêm vào đó, quyết định tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành mục tiêu mới của lực lượng khủng bố.

Kết quả bầu cử vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ chứng tỏ người dân nước này ủng hộ sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và mong muốn được sống trong môi trường ổn định, hòa bình. Tuy nhiên, những kỳ vọng của đa số cử tri Thổ Nhĩ Kỳ có trở thành hiện thực được hay không? Câu trả lời sẽ còn chờ trong thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu