Biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ: Hồi chuông cảnh báo

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Từng được coi là đất nước có mô hình Hồi giáo chính trị thành công trên thế giới nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua những ngày bất ổn bởi những cuộc biểu tình phản đối chính phủ kéo dài đã hơn 10 ngày và đang có nguy cơ lan rộng.

(VOV5) - Từng được coi là đất nước có mô hình Hồi giáo chính trị thành công trên thế giới nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua những ngày bất ổn bởi những cuộc biểu tình phản đối chính phủ kéo dài đã hơn 10 ngày và đang có nguy cơ lan rộng. Mặc dù Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đã có những động thái “xuống thang” nhưng cơ hội để tìm ra giải pháp chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột xem ra còn gặp nhiều trở ngại, bởi những bất ổn sâu xa trong nội tại đất nước này.

Trong một diễn biến mới nhất, sau 6 giờ họp nội các, ngày 11/6, Thủ tướng R. Erdogan đã đồng ý gặp gỡ các thủ lĩnh phe biểu tình, lắng nghe ý kiến của họ nhằm chấm dứt tình trạng xung đột kéo dài nhiều ngày qua, gây bất ổn an ninh trong nước. Mặc dù có cử chỉ hòa giải nhưng chính phủ của Thủ tướng R.Erdogan cũng đồng thời tuyên bố sẽ không để xảy ra thêm bất kỳ cuộc biểu tình trái phép nào trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và sự kiên nhẫn là có giới hạn. Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo, hôm qua, cảnh sát vẫn phải dùng hơi cay để giải tán hàng trăm người biểu tình ở trung tâm thủ đô Ankara, trong khi vẫn còn hàng nghìn người tụ tập kín quảng trường Taksim ở Istanbul, đòi ông R.Erdogan từ chức.

Biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ: Hồi chuông cảnh báo - ảnh 1
Các nhà phân tích cho rằng Thủ tướng Erdogan, Chính phủ và Đảng Công ly-Phát triển cần lắng nghe người dân nhiều hơn (Ảnh: Press TV)

Cuộc biểu tình chống chính phủ ở Thổ Nhĩ Kỳ được khởi phát từ một số hành động có vẻ như vô hại của các nhà bảo vệ môi trường trước việc chính quyền có ý định phá bỏ công viên Gezi ở Istanbul để xây dựng trung tâm thương mại. Đến khi chính quyền sử dụng vũ lực quá mức cần thiết để giải tán cuộc biểu tình, những cuộc chống đối mới lan rộng ra toàn quốc. Theo ước tính đến thời điểm hiện tại, 280 văn phòng, cửa hàng cùng hàng chục xe cảnh sát trên 67 thành phố, thị trấn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đập phá. Tổng thiệt hại lên đến 40 triệu USD.  Ít nhất đã có 3 người đã chết và hơn 5000 người bị thương. Trở về sau chuyến công du châu Phi, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng thuyết phục người dân nước này rằng, những cuộc bạo loạn đang xảy ra không thể được coi là những biểu hiện của một nền dân chủ. Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc cũng thay mặt chính phủ lên tiếng trấn an người biểu tình rằng "chính phủ đã rút ra được bài học từ những gì đã xảy ra" và kêu gọi công dân có trách nhiệm nhanh chóng chấm dứt hoạt động biểu tình, nhưng các cuộc biểu tình đã vượt qua con số 200 và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ: Hồi chuông cảnh báo - ảnh 2
Biểu tình của người dân Thổ Nhĩ Kỳ trước quảng trường Taksim (Ảnh: Reuters)

Cuộc biểu tình đã cho thấy sự thất vọng ngày càng tăng của dân chúng với chế độ của Thủ tướng R.Erdogan. Không thể phủ nhận rằng những năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã có bước phát triển vượt bậc cả về kinh tế và chính trị, vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ ngày một nâng cao trên trường quốc tế và trong khu vực. Tuy nhiên, trong nội bộ đất nước, chính sách “Hồi giáo hoá đất nước” của đảng Công lý và Phát triển luôn vấp phải sự phản kháng kịch liệt từ những người theo chủ nghĩa tự do. Những chính sách như hạn chế bán đồ uống có cồn, tuỳ tiện bắt giữ các nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ... của Chính phủ của Thủ tướng E.Erdogan đã gây nên sự tức giận trong dân chúng. Họ chỉ trích rằng đây là dấu hiệu của sự bảo thủ và xâm phạm đời sống cá nhân. Các đảng đối lập ở nước này cũng nhân cơ hội cáo buộc đảng Công lý và Phát triển của chính quyền Thủ tướng R.Erdogan đang muốn tiến tới mô hình nhà nước Hồi giáo bảo thủ, thay vì nhà nước thế tục như hiện nay. Liên tưởng tới những diễn biến từng xảy ra ở Tuynidi, Ai Cập.., dường như tình trạng phân cực hóa ngày càng tăng giữa những người Hồi giáo và những người theo đường lối thế tục, trong đó những người Hồi giáo nắm quyền bị cáo buộc là không thực hiện những cam kết đảm bảo nhân quyền và tự do, đang lặp lại ở đất nước lâu nay vẫn được ca ngợi là tấm gương sáng về dân chủ Hồi giáo ôn hòa. Cuộc biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ được coi như hồi chuông cảnh báo về sự ảo tưởng “đóng vai trò đầu tầu dẫn tới sự thay đổi” của những người theo chủ nghĩa tự do và thế tục. Ngẫm sâu xa, những diễn biến bất ổn hiện nay không đơn thuần là phản ứng của người dân trước một dự án hay một đạo luật gây tranh cãi của chính phủ. Nhìn lại thực tế từ các nước bị “Mùa xuân Arab” quét qua thì những vụ việc tưởng chừng như rất nhỏ như thế này lại là cái cớ, là giọt nước tràn ly cho những bất bình bấy lâu nay ngấm ngầm trong lòng người dân về cách thức điều hành đất nước của chính phủ cầm quyền.

Theo các nhà phân tích, vào thời điểm hiện tại có 3 lối thoát cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ nhất, Thủ tướng Recep Erdogan từ chức và tiến hành bầu cử trước thời hạn. Thứ hai, rất có thể đoàn người biểu tình sẽ hứng chịu bạo lực từ phía cảnh sát trong những ngày tới. Tuy nhiên, nếu chính phủ của Thủ tướng Erdogan biết kiềm chế, không bắt bớ, đàn áp dân thường, biết đối thoại thì rất có thể làn sóng chống đối sẽ dịu lại. Thứ ba, cuộc xung đột không được giải quyết tức thì sẽ kéo dài theo mô hình Syria. Từ những diễn biến hiện tại, dư luận quốc tế cho rằng nếu chính quyền Ankara không nhanh chóng có các biện pháp thiết thực nhằm xoa dịu lòng dân, thì kịch bản “Mùa xuân Arab” từng quét qua nhiều quốc gia trong khu vực, tái diễn tại đây là điều nhãn tiền./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu