Thế giới thận trọng ứng phó với nguy cơ suy thoái

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Theo ước tính của IMF, trong giai đoạn từ nay đến năm 2026, GDP toàn cầu mất khoảng 4.000 tỷ USD, tương đương GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Cộng hòa Liên bang Đức.

Trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên rõ ràng hơn, các định chế tài chính cùng giới phân tích kinh tế quốc tế liên tiếp đưa ra nhiều cảnh báo và khuyến cáo. Theo đó, các Chính phủ, các nền kinh tế cần đặc biệt thận trọng khi triển khai thêm các giải pháp, hành động đối phó với tình trạng lạm phát đang ở mức cao kỷ lục hiện nay.

Thế giới thận trọng ứng phó với nguy cơ suy thoái - ảnh 1Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. Ảnh: Reuters

Trong công bố chính thức mới nhất hôm 6/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo kinh tế toàn cầu đang đối mặt nguy cơ suy thoái nghiêm trọng kéo dài. Trong đó, tăng trưởng tại tất cả các nền kinh tế lớn nhất đều đang giảm tốc. Trước đó, nhiều định chế tài chính và nhà phân tích quốc tế cũng đưa ra những cảnh báo và dự báo tương tự, phản ánh thực tế đáng báo động đối với kinh tế thế giới. 

Thực trạng cùng những dự báo đáng lo ngại

Theo ước tính của IMF, trong giai đoạn từ nay đến năm 2026, GDP toàn cầu mất khoảng 4.000 tỷ USD, tương đương GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Cộng hòa Liên bang Đức. Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva mô tả sự mất mát này là “bước lùi khổng lồ với kinh tế thế giới". Định chế tài chính toàn cầu nhận định, có 3 tác nhân chính đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới là khủng hoảng năng lượng ở châu Âu do xung đột Nga – Ukraine, lạm phát cao kỷ lục tại nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và diễn biến xấu trên thị trường bất động sản ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc. Với thực tế này, IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 xuống còn 3,2% và của năm 2023 còn 2,9%, lần lượt thấp hơn 0,4% và 0,7% so với dự báo cách đây ba tháng.

Tương tự, trong báo cáo công bố hôm 5/10, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 xuống còn 2,3%, từ mức 3,3% dự báo trước đó. Không chỉ có vậy, WTO cảnh báo tốc độ này còn có thể giảm mạnh hơn nữa nếu các ngân hàng trung ương nâng lãi suất quá mạnh tay để kiềm chế lạm phát. Với riêng hoạt động thương mại, WTO dự báo xuất nhập khẩu toàn cầu chỉ tăng 1% trong năm 2023, tức chưa bằng 1/3 mức tăng trưởng 3,4% trong dự báo đưa ra trước đó.

Tại nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, giới doanh nghiệp nước này cũng nhìn nhận nguy cơ suy thoái đang rất rõ ràng. Một khảo sát công bố hôm 4/10 của Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới KPMG (có trụ sở tại Hà Lan) thực hiện với 400 lãnh đạo (CEO) các công ty lớn của Mỹ, cho thấy: 91% CEO dự báo suy thoái xảy ra trong 12 tháng tới. Chỉ 34% CEO tham gia cuộc khảo sát cho rằng suy thoái sẽ nhẹ và diễn ra trong thời gian ngắn. Trước đó, một khảo sát công bố hồi tháng 9 của hãng tư vấn Marcum và Trường Kinh doanh Frank G. Zarb thuộc Đại học Hofstra (Mỹ) cũng cho kết quả tương tự với hơn 90% CEO các công ty có quy mô trung bình tại Mỹ đang lo lắng về nguy cơ xảy ra suy thoái.

Còn dưới góc độ nghiên cứu tổng thể, nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế đã chỉ ra hàng loạt dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang tiến tới suy thoái như đồng USD tăng giá mạnh; động lực tại nền kinh tế Mỹ chững lại; cộng đồng doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu và đầu tư; thị trường chứng khoán đi xuống; bất ổn địa chính trị gia tăng tại nhiều khu vực trên thế giới…

Hành động thận trọng

Trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên rõ ràng, Liên hợp quốc, các định chế tài chính quốc tế cùng các chuyên gia kinh tế liên tiếp đưa ra khuyến cáo, kêu gọi các Chính phủ, đặc biệt là các nền kinh tế lớn, cần hành động thận trọng hơn với các biện pháp đối phó lạm phát. Trong đó, cần đặc biệt chú ý tới các đối tượng dễ bị tổn thương và chịu tác động mạnh nhất.

Phát biểu tại Đại học Georgetown (Mỹ) hôm 6/10, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva nêu rõ: thắt chặt tiền tệ quá mức sẽ đẩy thế giới vào suy thoái kéo dài. Vì vậy, các Chính phủ được khuyến khích phản ứng bằng các chính sách tài khóa tạm thời, có mục tiêu, để hỗ trợ các nhóm người chịu tác động mạnh nhất.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 xuống còn 2,3%, từ mức 3,3% dự báo trước đó. 

Tương tự, Báo cáo thường niên về Triển vọng kinh tế toàn cầu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố đầu tháng 10 này cũng cảnh báo rằng, việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa (tăng lãi suất) chắc chắn sẽ gây thêm thiệt hại. UNCTAD khẳng định, tăng lãi suất không giúp ích nhiều trong việc giải quyết tình trạng thiếu năng lượng và lương thực. Do đó, các nhà hoạch định chính sách nên tập trung vào các biện pháp như áp giới hạn giá năng lượng, tăng ngân sách từ nguồn thu thuế lợi nhuận đột biến của các công ty năng lượng…

Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan tin rằng "Vẫn còn thời gian để chúng ta lùi lại khỏi bờ vực suy thoái. Chúng ta có các công cụ để hạ nhiệt lạm phát và hỗ trợ tất cả các nhóm dễ bị tổn thương".

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu