100 ngày xung đột Nga-Ukraine: cục diện phức tạp và khó đoán định

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Một số báo cáo ước tính Ukraine cần tới hàng trăm tỷ USD cùng hàng chục năm thời gian cho công cuộc tái thiết, khắc phục hậu quả xung đột.

100 ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi phát xít và phi quân sự” tại Ukraine (hôm 24/2), các cuộc giao tranh ác liệt vẫn liên tục diễn ra tại nhiều thành phố khu vực miền Đông Ukraine. Đáng lo ngại hơn, các nỗ lực ngoại giao tìm kiếm lối thoát cho cuộc xung đột dường như sonh hành với việc Mỹ và các nước phương Tây gia tăng cung cấp vũ khí và khí tài chiến tranh cho Ukraine.    

100 ngày xung đột Nga-Ukraine: cục diện phức tạp và khó đoán định - ảnh 1Các phương tiện bị phá hủy sau pháo kích ở thành phố Severodonetsk, tỉnh Lugansk, Ukraine hồi giữa tháng 3. Ảnh: AFP.

Dù chưa thể đưa ra con số cụ thể song các báo cáo liên quan đều có chung nhận định rằng, hơn 3 tháng chiến sự đã gây ra những tổn thất nặng nề cả về người và vật chất cho cả Nga và Ukraine, đồng thời tác động nghiêm trọng tới sự ổn định xã hội và triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Âu cũng như toàn thế giới. Đặc biệt với Ukraine, xung đột không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng nghìn binh sỹ và thường dân, buộc hàng triệu người phải chạy ra nước ngoài lạnh nạn, mà còn tàn phá nặng nề hệ thống cơ sở hạ tầng, nền kinh tế… Một số báo cáo ước tính Ukraine cần tới hàng trăm tỷ USD cùng hàng chục năm thời gian cho công cuộc tái thiết, khắc phục hậu quả xung đột. Xét một cách tổng thể, xung đột Nga-Ukraine đã trở thành cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ sau chiến tranh Thế giới thứ II.   

Cục diện phức tạp, khó đoán định

Đến thời điểm này, chiến sự chủ yếu tập trung tại khu vực miền Đông Ukraine, nơi lực lượng Nga đã kiếm soát được một số thành phố quan trọng, đồng thời đẩy mạnh tấn công một số thành phố, thị trấn khác. Lực lượng Nga được đánh giá vẫn đang chiếm ưu thế vượt trội so với Ukraine, song tương quan sức mạnh giữa hai bên đang dần thay đổi khi phương Tây liên tiếp cung cấp thêm nhiều vũ khí và khí tài chiến đấu uy lực, hiện đại cho các lực lượng Ukraine.

100 ngày xung đột Nga-Ukraine: cục diện phức tạp và khó đoán định - ảnh 2Hệ thống HIMARS của Mỹ. Nguồn: Gagadget

Đơn cử, chỉ trong ngày 1/6, cả Mỹ, Anh, Đức đồng loạt tuyên bố sẽ cung cấp thêm các vũ khí, phương tiện chiến đấu hiện đại cho Ukraine. Trong đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết chuyển giao cho Ukraine hệ thống phòng không lớp IRIS-T và radar phát hiện mục tiêu hiện đại. IRIS-T là hệ thống phòng không tiên tiến nhất hiện có của Đức. Kể từ đầu xung đột, Đức đã cung cấp cho Ukraine hơn 15 triệu băng đạn, 100.000 quả lựu đạn và hơn 5.000 quả mìn chống tăng. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thông báo London sẽ cung cấp pháo phản lực M270 có tầm bắn lên tới 80 km cho Ukraine.

Bên kia Bờ Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày công bố thêm gói viện trợ vũ khí mới trị giá 700 triệu USD cho Ukraine. Gói viện trợ bao gồm các hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) M142, có khả năng tấn công mục tiêu cách xa 80 km, cùng cơ số lớn đạn dược, radar phản pháo, một số radar giám sát đường không, tên lửa chống tăng Javelin cũng như vũ khí chống thiết giáp...

Theo các nhà phân tích, việc phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí hạng nặng và hiện đại cho các lực lượng Ukraine sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân lực lượng trên chiến trường Ukraine, khiến cho cục diện cuộc xung đột trở nên phức tạp và khó đoán định hơn. Trong một tuyên bố hôm 1/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo, việc phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine không giải quyết được xung đột, ngược lại có thể làm gia tăng nguy cơ đụng độ trực tiếp giữa Nga và các nước phương Tây.

Kiên trì nỗ lực đối thoại chấm dứt chiến sự

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp và hai bên chưa tìm được tiếng nói chung dù nhiều vòng đàm phán đã được tổ chức dưới sự bảo trợ quốc tế, các nhà lãnh đạo thế giới tiếp tục kêu gọi các bên liên quan kiên trì nỗ lực ngoại giao và đối thoại để chấm dứt chiến sự.

Trong một tuyên bố chính thức hôm 31/5, Tổng thống Thổ Nhỹ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đề nghị Nga và Ukraine tổ chức vòng đàm phán mới tại Istanbul, đồng thời khẳng định Ankara sẵn sàng đảm nhận vai trò giám sát viên và sẽ nỗ lực thúc đẩy đối thoại với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc. Trước đó ít ngày, phát biểu trong một hội nghị tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sỹ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng nhấn mạnh rằng phương Tây cần phải đối thoại với Nga để tháo gỡ khủng hoảng. Theo cựu Ngoại trưởng Mỹ, phương Tây cần ghi nhớ và đánh giá đúng tầm quan trọng của Nga với châu Âu.

Về phần mình, giới chức Nga tiếp tục khẳng định sẵn sàng đàm phán với Ukraine để chấm dứt xung đột. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Andrey Kartapolov hôm 1/6 tuyên bố Chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine có thể kết thúc nếu Kiev đồng ý đàm phán. Trước đó một ngày, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga) Valentina Matviyenko cũng nhấn mạnh, Nga sẵn sàng đàm phán và ký kết các thỏa thuận hướng tới hòa bình với Ukraine.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu