Một loạt các vụ tấn công khủng bố gần đây tại châu Âu và Mỹ đang khiến các chuyên gia lo ngại sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn và xung đột tại Trung Đông tạo nhiều khoảng trống quyền lực cho các lực lượng cực đoan.
Hôm 01/01, một nghi phạm lao xe, nổ súng vào đám đông ở thành phố New Orleans, bang Louisiana của Mỹ, khiến 14 người thiệt mạng và 30 người bị thương. Đây là sự kiện khủng bố mới nhất làm gia tăng các lo ngại về an ninh tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiện trường vụ lao xe vào đám đông tại thành phố New Orleans, bang Louisiana, Mỹ ngày 01/01/2025. Ảnh: AP/TTXVN |
Mối đe dọa từ các “Sói đơn độc”
Vụ tấn công tại New Orleans không chỉ gây ra thiệt hại sinh mạng nặng nề ngay trong ngày đầu năm mới mà còn gây lo ngại cho giới chức an ninh khi kẻ thực hiện vụ khủng bố đã mang theo cờ của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Christopher Raia, phó trợ lý giám đốc FBI, thừa nhận đối tượng này có thể đã lấy cảm hứng từ IS. Theo Colin Clarke, chuyên gia của công ty tư vấn về các vấn đề an ninh toàn cầu Soufan Group, điều này cũng cho thấy bất kể khả năng hoạt động của IS hiện tại ra sao, tầm ảnh hưởng của nhóm đã tác động đến làn sóng tấn công kiểu "sói đơn độc", tức những phần tử hoạt động một mình và không thuộc mạng lưới nào, ở cả hai bờ Đại Tây Dương và xác nhận những gì mà nhiều người trong cộng đồng chống khủng bố nhận định thời gian qua, đó là IS vẫn là mối đe dọa dai dẳng và không biến mất.
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ tấn công chợ Giáng sinh ở Magdeburg, Đức, ngày 21/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Trước vụ tấn công trong ngày đầu năm mới tại New Orleans, hôm 20/12 năm ngoái, một vụ đâm xe khủng bố tương tự cũng diễn ra tại chợ Giáng sinh Magdeburg ở Đức, khiến 5 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Theo chuyên gia Daniel Byman, Giám đốc Chương trình về khủng bố và các mối đe dọa không thường xuyên, thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), đây là cách thức đã được các phần từ IS sử dụng trong các vụ khủng bố những năm trước ở London (Anh), Berlin (Đức) và nghiêm trọng nhất là tại Nice của Pháp tháng 07/2016 khiến 86 người thiệt mạng. “Trong khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta đã thấy IS sử dụng cách thức đâm xe. Chúng ta đã thấy điều này ở một số nước châu Âu cũng như tại New York, khi đối tượng sử dụng xe để đâm vào người đi bộ trên đường. Vì thế, đây chắc chắn là một phần của IS và trong thảm kịch ở New Orleans, đây là cách thức sát hại nhiều người trong một thời gian tương đối ngắn”.
Trung tâm thương mại và nghệ thuật Crocus City Hall ở ngoại ô Moskva, Nga cháy rụi sau vụ tấn công khủng bố ngày 26/03/2024. Ảnh: AFP/TTXVN |
Điều đáng ngại hơn, theo nhiều chuyên gia, đó là việc gia tăng trở lại của hình thức tấn công “sói đơn độc” ở Mỹ và châu Âu tiếp nối loạt vụ tấn công khủng bố lớn trong năm qua ở nhiều nước khác do IS và các nhánh của tổ chức này (ISIS-K) thực hiện, như: vụ đánh bom ở thành phố Kerman của Iran hồi tháng 01 và khủng bố nhà hát ở Moscow, Nga hồi cuối tháng 3. Theo chuyên gia Hans-Jakob Schindler, Giám đốc tổ chức phi chính phủ Dự án chống khủng bố (CTP), các mối đe dọa an ninh đang ngày càng lớn hơn và khó đối phó hơn trong bối cảnh xung đột và bất ổn lan rộng toàn cầu, nhất là tại Trung Đông.“Chúng ta đang sống trong một giai đoạn bị phân cực cao độ, đồng thời bị làm trầm trọng hơn bởi xung đột đang diễn ra tại Trung Đông cũng như sự trỗi dậy của IS và Al-Qaida trên khắp thế giới. Chúng ta thực sự đang trong một tình huống hết sức khó khăn”
Điểm nóng Syria hay Sahel?
Trong diễn biến được xem là phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của Mỹ về sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố tại Trung Đông, đặc biệt là IS, Lầu Năm Góc hôm 20/12 vừa qua cho biết đã triển khai thêm binh sĩ đến Syria để ứng phó với tình hình an ninh đang thay đổi nhanh chóng ở quốc gia này, sau khi phe đối lập do nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đứng đầu lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad hôm 08/12.
Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, ông Pat Ryder, hiện Mỹ có khoảng 2.000 binh sĩ được triển khai tại Syria, cao hơn so với con số được công bố trước đó là khoảng 900. Ông Ryder nhấn mạnh lực lượng bổ sung hoạt động theo cơ chế "luân phiên tạm thời" trong khoảng thời gian từ 30 - 90 ngày và lực lượng bổ sung này đã có mặt tại Syria trước khi chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ vào ngày 08/12.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông Jake Sullivan, cho biết: “Chúng ta cần phải thừa nhận rằng giây phút Damascus sụp đổ cũng là lúc ISIS bắt đầu tìm kiếm bất cứ cơ hội nào để tái hợp lực lượng, lớn mạnh, mở rộng để cuối cùng tái tạo một mạng lưới đe dọa nước Mỹ và công dân Mỹ trên khắp thế giới. Do đó, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu quân đội Mỹ tiến hành các hành động quân sự chống lại các thành viên IS và các cơ sở của IS và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó”.
Theo giới quan sát, câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu chính quyền mới của ông Donald Trump có tiếp tục thực thi chính sách này không. Trong nhiệm kỳ đầu tiên (2016-2020), ông Donald Trump từng tuyên bố rút hết quân Mỹ khỏi Syria và không để nước Mỹ bị kéo vào các xung đột tại Trung Đông. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay có thể sẽ khiến Tổng thống đắc cử của Mỹ thay đổi quan điểm. Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây trên Fox News, nghị sĩ Michael Waltz, người dự kiến đảm nhiệm vị trí Cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền mới, cho rằng ông Donald Trump có thể không thực hiện cam kết rút lính Mỹ khỏi Syria vì hiểu rằng mối đe dọa của IS vẫn còn.
Tuy nhiên, số lượng phiến quân IS ở Syria hiện nay ước tính chưa tới 3.000 người và nhiều chuyên gia cho rằng nhóm này sẽ bị kiềm chế bởi các lực lượng khác ở đây, từ chính quyền Syria mới, lực lượng người Kurd cho đến quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh. Vì thế, theo ông Brett Holmgren, người đứng đầu Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Mỹ, “điểm nóng” mới của chủ nghĩa khủng bố có thể sẽ là khu vực Sahel và Tây Phi, nơi không chỉ có IS mà nhiều nhóm phiến quân, khủng bố khác cũng đã gia tăng cường độ hoạt động trong nhiều năm qua.