Năm 2025, công tác đối ngoại nhân dân tiếp tục phát huy tốt vai trò hỗ trợ đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức nhân dân thế giới theo hướng đổi mới, hợp tác trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, bảo vệ lợi ích quốc gia, đóng góp chung cho phong trào nhân dân thế giới vì hòa bình và phát triển bền vững. Đồng thời, vận động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế đất nước.
Quang cảnh Hội nghị Tổng kết công tác đối ngoại nhân dân năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Tình hình thế giới, khu vực đang thay đổi nhanh chóng, trọng tâm đối ngoại nhân dân năm 2025 xác định tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Cùng với đó, thúc đẩy đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, tận dụng tri thức kiều bào đóng góp vào các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đất nước trong giai đoạn mới.
Phát huy tính sáng tạo và hiệu quả trong công tác đối ngoại nhân dân
Tình hình thế giới, khu vực đang thay đổi nhanh kéo theo sự điều chỉnh chính sách đối ngoại nhiều quốc gia, ảnh hưởng đến các phong trào xã hội, các tổ chức nhân dân. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng tác động không nhỏ đến việc tập hợp lực lượng của các phong trào và tổ chức nhân dân thế giới. Trong khi đó, mạng lưới đối tác, bạn bè của Việt Nam cũng có nhiều thay đổi. Do vậy, đổi mới là yêu cầu đặt ra cho công tác đối ngoại nhân dân thời gian tới.
Tại Hội nghị tổng kết công tác đối ngoại nhân dân năm 2024, phương hướng hoạt động năm 2025, diễn ra hôm 6/1, tại Hà Nội, Trưởng ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhấn mạnh các tổ chức đối ngoại nhân dân cần phát huy phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, xác định những trọng tâm trong công tác đối ngoại phù hợp từng đối tác, lĩnh vực. Cùng với đó, đổi mới hơn nữa nội dung, phương thức thực hiện, tạo chiều sâu trong từng hoạt động đối ngoại: “Vai trò đối ngoại nhân dân cần tiếp tục được nhận thức đầy đủ. Đối ngoại nhân dân đóng vai trò nòng cốt tạo ra nền tảng xã hội trong quan hệ của Việt Nam với các nước. Thời gian tới, cần tiếp tục tạo chuyển biến về nhận thức, xây dựng chiến lược kế hoạch phát triển quan hệ đối tác nhân dân, nâng tầm đối ngoại đa phương, làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài.”
Báo chí đối ngoại là một kênh đối ngoại nhân dân hiệu quả, vai trò này của báo chí tiếp tục phát huy, nhằm tăng cường quảng bá những quan điểm của Việt Nam về hòa bình, phát triển, cũng như các mục tiêu, định hướng, chính sách phát triển của Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Tại lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X (12/2024), ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nêu rõ: "Qua các tác phẩm báo chí, thế giới không chỉ thấy được những thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, mà còn nhận thấy được khát vọng vươn lên của cả dân tộc Việt Nam. Tất cả đã vẽ nên bức tranh toàn diện, đa chiều, đầy màu sắc, rực rỡ về đất nước, dân tộc Việt Nam, đó là Việt Nam rạng ngời."
Năm 2025 – thời điểm để đối ngoại nhân dân góp phần cùng đất nước chuyển mình
Năm 2025 là năm Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện lớn, như: kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập nước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn các cấp giữa Việt Nam với các nước, chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới các nước, sự tham gia của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác đa phương, diễn đàn toàn cầu….
Trong bối cảnh mới, đối ngoại nhân dân tiếp tục lồng ghép, linh hoạt, tận dụng tối đa mọi nguồn lực bên ngoài phục vụ cho mục tiêu Việt Nam tăng tốc, bứt phá. Trong đó, nguồn lực hơn 5 triệu kiều bào là rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo… PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, thành viên Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “Việc phát huy vai trò của người Việt Nam tại nước ngoài rất quan trọng. Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, số hóa, toàn cầu hóa. Vì vậy, chúng ta phải có giải pháp mới. Theo tôi, đó là giải pháp liên quan đến các vấn đề về cơ chế, thể chế, thúc đẩy tổ chức các hoạt động, sự kiện đối ngoại nhân dân với các phương pháp, cách làm mới, phù hợp với môi trường biến đổi mới.”
Thực tế suốt chiều dài lịch sử, đối ngoại nhân dân đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước, hình thành một mạng lưới bạn bè, đối tác yêu mến, ủng hộ Việt Nam. Trong giai đoạn mới, đối ngoại nhân dân tiếp tục phát huy hơn nữa “sức mạnh mềm” của dân tộc, để lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh một đất nước đang vươn mình. Không chỉ huy động các nguồn lực cho phát triển đất nước, mà cao hơn là kết nối Việt Nam với thế giới, vun đắp tình hữu nghị với các dân tộc khác, gia tăng vị thế, ảnh hưởng của đất nước, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề của khu vực và toàn cầu.